"Muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả cần phải giỏi hơn và làm chủ được ChatGPT"
"Muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả cần phải giỏi hơn và làm chủ được ChatGPT"
Bạch Dương - Mỹ Quỳnh
Thứ tư, ngày 01/03/2023 14:30 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM tại toạ đàm "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức" diễn ra ngày 1/3 tại TP.HCM.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, ChatGPT là một công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng sinh ra các văn bản phức tạp và thuyết phục bằng ngôn ngữ tự nhiên, có nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, kinh doanh và giải trí, hay nói chung là tất cả những lĩnh vực có sử dụng ngôn ngữ.
Đối với lĩnh vực nhân sự tại các doanh nghiệp, một khảo sát 1000 doanh nghiệp được công bố vào ngày 25/2 vừa qua cho thấy, khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc. Trong đó, khoảng một nửa nhóm này nói rằng ChatGPT đang dần thay thế nhân công tại công ty của họ, thậm chí cũng đã chính thức thay thế nhân công ở một số vị trí nhất định, giúp tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD khi sử dụng công cụ này. Một số công việc được sử dụng ChatGPT như viết mã, sáng tạo quảng cáo, tạo nội dung, hỗ trợ khách hàng và chuẩn bị tóm tắt cuộc họp; viết mô tả công việc, soạn thảo yêu cầu phỏng vấn và trả lời đơn ứng tuyển.
"Đối với lĩnh vực của quản lý nhà nước, ChatGPT có thể có nhiều ứng dụng như hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định… Mặc dù có mặt tích cực nhưng ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn cho quản lý nhà nước.
Cụ thể, việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn của các thông tin do ChatGPT sinh ra; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT... Vì vậy, để sử dụng Chat GPT hiệu quả chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh liên quan đến bản quyền, an toàn an ninh mạng…", ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.
Tương tự, PGS.TS. Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết, ChatGPT tồn tại dưới dạng ngôn ngữ nên khi áp dụng vào quản lý nhà nước, nó sẽ hỗ trợ khá nhiều cho các nhà quản lý, cụ thể là phân loại thông tin và phản ánh thông tin trả lời tự động…
Bình thường, một ngày một cơ quan hành chính có thể nhận tới hàng ngàn thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Nếu giao cán bộ phân loại sẽ phải mất vài ngày xử lý, tuy nhiên với ứng dụng ChatGPT, thời gian xử lý sẽ nhanh hơn tính theo giờ và giúp các nhà quản lý phân loại các phản ánh theo từng nhóm ngành nghề và chuyển tới các phòng ban xử lý theo đúng chuyên môn.
Theo PGS.TS. Đinh Điền, mặc dù có nhiều mặt tích cực nhưng mô hình này cũng có sai số, đó là việc cung cấp các kiến thức về kinh tế, xã hội, lịch sử … có rất nhiều kết quả khác nhau và nó không phân được đâu là thông tin đúng và sai.
"Các cơ quan quản lý nhà nước muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả cần phải giỏi hơn và làm chủ được ChatGPT. Nghĩa là, người dùng phải tự trang bị những kiến thức thông tin nền cao hơn ChatGPT để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp...", ông Điền nói.
Để làm được điều này, nhân viên hành chính phải rành, hiểu và làm chủ được ứng dụng này bởi không phải lúc nào cũng trả lời đúng. "Công cụ này chỉ mang tính hỗ trợ, tham khảo chứ không nên phụ thuộc vào nó", ông Điền nói thêm.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM rất quan tâm ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trên tất các lĩnh vực và việc ChatGPT hiện được rất nhiều người quan tâm.
"ChatGPT hay một ứng dụng nào khác cũng là công cụ do con người tạo ra, điều quan trọng là sử dụng như thế nào. Muốn sử dụng hiệu quả phải hiểu nó và biết cách sử dụng đúng", ông Dương Anh Đức nói và cho rằng, nếu bỏ đi một ứng dụng nào đó có thể là sai lầm khi đó là công cụ có thể ứng dụng phục vụ phát triển. Do đó, với ChatGPT, cần tìm hiểu, nghiên cứu thành những ứng dụng cho từng lĩnh vực, từng ngành nghề một cách hiệu quả để góp phần cải thiện công việc cho bộ máy nhà nước.
Tại tòa đàm, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào 4 lĩnh vực. Cụ thể, ứng dụng ChatGPT vào dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; và ứng dụng ChatGPT vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp;
Ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố, như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu. Thành phố cũng đặt hàng ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy, cô giáo, học sinh trên địa bàn. Cuối cùng là nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.
Tại tọa đàm "Liệu Chat GPT có là cuộc cách mạng công nghệ số trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế và logistics" của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, phân tích về bức tranh logistics Việt Nam, ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM chia sẻ: "Để ứng dụng ChatGPT vào logistics, tôi cho rằng công nghệ này phải tích hợp nhiều yếu tố và xử lý được các hình thức dữ liệu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sử dụng được công nghệ của ChatGPT để xử lý dữ liệu thực tế thì đó thật sự là một cuộc cách mạng".
Từ góc nhìn thực tế, các diễn giả cho rằng, quá trình chuyển đổi công nghệ số trong lĩnh vực logistics đang diễn ra khá mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Việt Nam nên việc dần thay thế các hoạt động thủ công cần nhiều yếu tố về con người bằng máy móc, số hóa khâu hành chính giấy tờ và việc có nhiều hơn các công cụ thì sẽ là một bước chuyển lớn trong sự phát triển của chuỗi hoạt động về logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.