Một lệnh cấm vận dầu mỏ từ Mỹ sẽ khiến nền kinh tế Venezuela vốn đang gặp khủng hoảng sẽ càng trở nên kiệt quệ. Ảnh: Reuters.
Theo nhà phân tích Joe McMonigle thuộc công ty Quản lý Rủi ro Hedeye, đòn trừng phạt của Mỹ có thể sẽ nhắm tới lượng xuất khẩu gần 500.000 thùng dầu thô/ngày từ Venezuela vào nước này. Vào tháng 10.2018, các tập đoàn hóa dầu Mỹ đã nhập khẩu trung bình 505.870 thùng/ngày từ Venezuela, giảm 123.610 thùng/ngày so với một tháng trước đó.
“Các diều hâu trong chính quyền hiện đang nắm quyền lực và họ bắt đầu muốn cứng rắn với Venezuela Nếu muốn trừng phạt Caracas, họ sẽ tung ra luôn đòn ‘rắn’ nhất”, McMonigle nói với tờ S&P Global Platts.
Vào năm 2017, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt, cấm buôn bán nợ mới và vốn chủ sở hữu do chính phủ Venezuela và công ty dầu khi quốc gia PDVSA phát hành. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận đối với các quan chức chính phủ hàng đầu của Venezuela, bao gồm cả Tổng thống nước này là ông Nicolas Maduro. Còn vào đầu tháng nay, Bộ tiếp tục thông báo thêm một đợt cấm vận mới nhằm vào 7 công dân và 20 thực thể thương mại của Venezuela.
Theo một nhà phân tích giấu tên nói với tờ S&P Global Platts, mặc dù lệnh cấm vận nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu thô của Venezuela đang “được cân nhắc”, các quan chức chính phủ Mỹ vẫn do dự trong việc triển khai. Lý do là bởi Washington lo ngại cấm vận sẽ không thể làm suy yếu chính quyền Tổng thống Maduro mà còn có nguy cơ bị cộng động quốc tế coi là hành động “đổ dầu vào lửa”, làm tồi tệ thêm khủng hoảng tại Venezuela.
“Với trường hợp Venezuela, nếu cấm vận thì Mỹ phải chịu trách nhiệm chính cho khủng hoảng và hiện tại, Washington không hề muốn lãnh nhận trách nhiệm này”, nhà phân tích giấu tên nhận định.
Trước đó, Nga đã lên tiếng chỉ trích việc chính phủ Mỹ không những “bắt nạt” Venezuela mà còn khuyến khích phe đối lập thực hiện đảo chính để lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, việc Washington khuyến khích, dung túng phe đối lập Venezuela “đã khiến họ không thiết tha hòa giải với chính phủ”.
Hiện tại, Venezuela đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị. Trung tâm của khủng hoảng này xoay quanh việc Quốc hội do phe đối lập kiểm soát tuyên bố Tổng thống Maduro là “kẻ tiếm quyền” và quyết định biến phát ngôn viên Quốc hội Juan Guaido làm “Tổng thống tạm quyền” của đất nước. Động thái này được phe đối lập triển khai sau khi nhận được sự ủng hộ công khai, mạnh mẽ từ phía Mỹ - nước từ đầu đã muốn lật đổ Tổng thống Niolas Maduro.
Được biết, trong nhiều năm qua, Venezuela đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội. Phe đối lập Venezuela cho rằng chính sách sai lầm của chính phủ đã dẫn tới tình trạng này. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Venezuela lại khẳng định chính các thế lực trong và ngoài nước đang phá hoại đất nước nhằm mục tiêu cuối cùng là lật đổ ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.