Mỹ chốt kế hoạch đưa hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine

Lê Phương (CNN) Thứ tư, ngày 14/12/2022 15:02 PM (GMT+7)
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hoàn thiện kế hoạch gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine, theo các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ.
Bình luận 0
Mỹ chốt kế hoạch đưa hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa Patriot. Ảnh: Quân đội Mỹ

Kế hoạch của Lầu Năm Góc vẫn cần được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phê chuẩn trước khi được gửi tới Tổng thống Joe Biden để xin chữ ký, 3 quan chức giấu tên nói với CNN.

Ukraine đã kêu gọi Mỹ cung cấp hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến có hiệu quả cao trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo và hành trình trong bối cảnh Kiev hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. 

Patriot sẽ là hệ thống vũ khí phòng thủ tầm xa hiệu quả nhất được gửi đến Kiev và các quan chức cho biết hệ thống này sẽ giúp đảm bảo không phận Ukraine.

Không rõ có bao nhiêu bệ phóng tên lửa sẽ được gửi đi nhưng một khẩu đội Patriot điển hình bao gồm một bộ radar phát hiện và theo dõi mục tiêu, máy tính, thiết bị phát điện, trạm điều khiển và tối đa 8 bệ phóng, mỗi bệ chứa 4 tên lửa sẵn sàng khai hỏa.

Các quan chức nhấn mạnh sau khi các kế hoạch được thông qua, Patriot dự kiến sẽ nhanh chóng được chuyển giao trong những ngày tới và người Ukraine sẽ được huấn luyện sử dụng chúng tại một căn cứ của quân đội Mỹ ở Grafenwoehr, Đức.

Ukraine đã yêu cầu hệ thống này trong nhiều tháng nhưng chưa được Mỹ chấp thuận. Mặc dù vậy, "thực tế về những gì đang diễn ra trên mặt đất" đã khiến chính quyền Washington đưa ra quyết định, quan chức cấp cao nói với CNN, lưu ý đến các cuộc tấn công tên lửa dữ dội của Nga.

Không giống như các hệ thống phòng không thông thường, các khẩu đội tên lửa Patriot cần kíp lái lớn hơn nhiều, đòi hỏi hàng chục nhân viên để vận hành chúng đúng cách. Quá trình huấn luyện sử dụng các khẩu đội tên lửa Patriot dự kiến sẽ kéo dài nhiều tháng.

Nhờ tầm ngắm xa và cao, Patriot có khả năng bắn hạ tên lửa và máy bay Nga bên trong Ukraine.

Trước đây, Mỹ đã gửi các khẩu đội Patriot tới các đồng minh NATO như Ba Lan như một cách để tăng cường khả năng phòng thủ của nước này, đồng thời gửi các hệ thống vũ khí khác tới Ukraine để hỗ trợ chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã gửi tên lửa Patriot tới Ả Rập Xê Út và Iraq để chống lại các mối đe dọa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Tổng cộng, hơn một chục đồng minh của Mỹ, bao gồm Đức, Nhật Bản và Israel, cũng đã mua hệ thống Patriot.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chia sẻ với CNN rằng Washington "rất tập trung" vào việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine.

Ông Blinken nói với người dẫn chương trình Christiane Amanpour của CNN: "Chúng tôi hiện đang rất tập trung vào việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Kiev. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người Ukraine có được những hệ thống đó càng nhanh càng tốt, đồng thời huấn luyện họ sử dụng chúng hiệu quả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem