Mỹ: Hàng Việt khó chống hàng Mỹ dù giá rẻ

Thứ năm, ngày 01/05/2014 08:06 AM (GMT+7)
Không khó để tìm thấy một sản phẩm “Made in Vietnam” (làm tại Việt Nam) ở bất kỳ đâu tại Mỹ. Từ thực phẩm, nông sản, hàng may mặc bình dân... cho tới các nhãn hiệu thời trang cao cấp...
Bình luận 0
Không khó để tìm thấy một sản phẩm “Made in Vietnam” (làm tại Việt Nam) ở bất kỳ đâu tại Mỹ. Từ thực phẩm, nông sản, hàng may mặc bình dân... trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Los Angeles, Las Vegas... cho tới các nhãn hiệu thời trang cao cấp bán ở những đại lộ danh tiếng như đại lộ số 7 – đại lộ thời trang – ở New York.

Tưởng rằng thuận buồm

Hàng sản xuất tại Mỹ – dân số trên 300 triệu – chiếm khoảng 3/4 lượng hàng hoá nước này tiêu thụ, số còn lại là hàng từ nhiều quốc gia khác ở châu Á, Mỹ, Phi... nơi nhân công đông và giá rẻ.

Trong số đó, Việt Nam nổi lên như một thị trường nhập khẩu vào Mỹ nổi bật trong khoảng năm năm qua, kể từ năm 2010 khi xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ vượt quá 10 tỉ USD.

img
Hàng hiệu cao cấp gia công tại Việt Nam xuất sang Mỹ.

Hàng xuất sang Mỹ chủ yếu là dệt may, điện thoại và linh kiện, các mặt hàng nông sản như càphê, gỗ, thuỷ sản...

Trước khi gia nhập WTO năm 2007, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường gia công lớn nhất cho Mỹ và con số xuất siêu có thể không dừng ở mức mười mấy tỉ. Việt Nam, cái tên được nhiều người Mỹ biết đến qua chiến tranh và là nơi lương nhân công thấp hơn so với nhiều nước khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Bên cạnh đó, giá thuê đất ở khu công nghiệp, giá nhiên liệu phục vụ sản xuất, lượng nhân công dồi dào, trẻ và trình độ ngày càng cao... của Việt Nam, cùng bối cảnh chính trị tương đối ổn định cũng là những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như Mỹ chọn Việt Nam như một thị trường để đầu tư, gia công sản xuất và xuất sang các thị trường Âu, Mỹ...

So với hàng hoá sản xuất tại Mỹ, các mặt hàng tương tự, thậm chí cùng một thương hiệu, nhập khẩu vào Mỹ giá luôn thấp hơn từ 1/5 đến thậm chí 1/2 lần. Áo nỉ trùm đầu sản xuất tại Mỹ của Lands’ End giá 59 USD so cùng loại “Made in Vietnam” 25 USD. Nhãn hiệu Abercrombie & Fitch nổi tiếng với các sản phẩm áo thun, áo len… sản xuất tại nước ngoài như Việt Nam cũng luôn có giá dưới 1/2 so với sản xuất tại Mỹ.

Ai dè Mỹ cũng yêu nước

Ngành sản xuất Mỹ đã mất khoảng 6 triệu việc làm trong một thập kỷ kể từ năm 2000 khi hàng chục nước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam... vào WTO và sản xuất hàng gia công cho Mỹ, theo thống kê của cơ quan Dữ liệu lao động Mỹ.

Liệu hàng gia công nhập khẩu có làm mất việc của thị trường lao động Mỹ trở thành đề tài nóng tới mức năm 2011, chương trình thời sự của đài ABC (Mỹ) đã có một series mang tên “Made in America” truy tìm nguồn gốc thực sự của những hàng hoá đang được dán nhãn sản xuất 100% tại Mỹ, khi rất nhiều trong số đó sản xuất từ Trung Quốc, Mexico, Bangladesh, Haiti hay Việt Nam... và tạo ra một danh sách những hàng hoá người Mỹ yêu thích và kêu gọi tinh thần yêu nước của người Mỹ trong tiêu dùng hàng nội.

Một cuộc khảo sát với quy mô lớn về thói quen tiêu dùng của người Mỹ được công bố vào năm 2013 của trung tâm Nghiên cứu các báo cáo về người tiêu dùng của Mỹ, cho thấy 78% người Mỹ muốn mua sản phẩm 100% sản xuất tại Mỹ hơn. Trong đó 80% cho rằng tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Mỹ giúp tạo ra việc làm và giúp nền sản xuất Mỹ giữ được sức mạnh của nó – vốn đã từng là nơi cung cấp tới 40% hàng hoá cho toàn thế giới vào những năm 1950 sau Thế chiến 2.

60% nói rằng họ không muốn sử dụng hàng nhập từ các thị trường giá rẻ do liên quan tới lạm dụng lao động trẻ em, lao động giá rẻ, chất lượng thấp. Những tạp chí lớn của Mỹ như Fortune, Time... cũng đã đăng tải nhiều phóng sự điều tra về những

khu công nghiệp sản xuất hàng gia công cho Mỹ tại Việt Nam, và nêu lên nhiều vấn nạn như việc lạm dụng lao động với nhiều ca sản xuất trong ngày, điều kiện ăn ở vệ sinh cho nhân công không tốt, thiếu các quy định và hệ thống hỗ trợ an toàn lao động...

60% người trả lời cho rằng họ sẵn sàng mua sản phẩm quần áo, linh kiện... sản xuất tại Mỹ dù giá có cao hơn 10% so với hàng nhập khẩu. Nhưng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới quan điểm của người tiêu dùng Mỹ về vấn đề tiêu dùng hàng nhập khẩu, vẫn là chuyện công ăn việc làm cho người Mỹ. Nhà kinh tế học Jeff Faux đã phát biểu trên tờ tạp chí Người tiêu dùng Mỹ rằng: “Người tiêu dùng (Mỹ) cần hiểu rằng tất cả việc làm và lương đều liên quan tới nhau. Khi bạn mua sản phẩm nước ngoài – và đôi khi là vì không có lựa chọn khác – điều đó nghĩa là rất ít công nhân Mỹ sẽ có tiền để mua sản phẩm và dịch vụ bạn bán”.

Sự thực là với mức giá chênh lệch quá cao, hàng “Made in America” đã quá tầm với cho một bộ phận không nhỏ người Mỹ. Đầu năm nay, hãng thời trang danh tiếng Juicy Couture của Mỹ cũng đã phải chịu sự giận dữ của người tiêu dùng khi bán những chiếc áo thun in dòng chữ “Made in the Glamorous USA” (sản xuất tại nước Mỹ quyến rũ) nhưng trên thực tế lại sản xuất tại... Việt Nam.

Điệp Giang (phái viên TGTT tại New York)(Thế giới Tiếp Thị) (Điệp Giang (phái viên TGTT tại New York)(Thế giới Tiếp Thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem