Những kế hoạch này của Washington nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Truyền thông Mỹ cũng đưa tin, Washington đang nỗ lực đàm phán với Bắc Kinh ở những cấp độ khác nhau về vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Á. Washington cố gắng thuyết phục Bắc Kinh rằng hệ thống NMD của Mỹ không nhằm chống lại Trung Quốc.
|
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: WP |
Đề cập đến kế hoạch triển khai các thành phần NMD ở châu Âu và Trung Đông, phát ngôn viên Nuland nhận định rằng đó là những hệ thống phòng thủ. Theo lời bà Nuland, các hệ thống này sẽ không được kích hoạt trước khi đối phương bắn tên lửa.
Về thực tế, Mỹ có kế hoạch mở rộng hệ thống NMD ở châu Á để đối phó với nguy cơ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên. Báo Wall Street Journal ngày 23.8 dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ Washington đang lên kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa ở châu Á nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và cũng có thể sử dụng để đối phó với Trung Quốc.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Mỹ và Canada tại Nga, vào thời điểm hiện tại, Washington có khả năng sử dụng khoảng 130 tên lửa đạn đạo từ các tàu ngầm để giáng đòn tước vũ khí vào Trung Quốc.
Theo báo này, kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa của Mỹ là một phần trong vòng cung phòng thủ phủ khắp một khu vực rộng lớn ở châu Á. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ lập hệ thống radar cảnh báo sớm X-Band mới, đặt ở phía nam Nhật Bản, bổ sung cho lá chắn thứ nhất đã được đặt tại tỉnh Aomori ở phía bắc Nhật Bản vào năm 2006. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng đang cân nhắc các địa điểm để đặt lá chắn tên lửa thứ ba ở Đông Nam Á. Hai hệ thống này sẽ phối hợp với các tên lửa đánh chặn trên đất liền cũng như trên tàu chiến Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey ngày 24.8 cũng xác nhận rằng, Lầu Năm Góc đang tiến hành thương lượng để bố trí một trạm radar ở Nhật Bản, nhưng chưa đi đến quyết định cuối cùng. Các nguồn tin khẳng định rằng người Mỹ có thể thiết lập thêm một radar dải tần X-Band ở Philippines.
Gia tăng phòng thủ chống tên lửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một phần trong chiến lược quân sự của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal bình luận, các nhà chiến lược quân sự Mỹ lo ngại về mối đe dọa xuất phát từ CHDCND Triều Tiên, cũng như đà hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc trong quan hệ với các nước láng giềng mà Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận trực tiếp về kế hoạch của Mỹ, nhưng ngày 23.8 đã đưa ra thông điệp có ý cảnh báo. Trong tuyên bố của Bộ này nói rằng, Bắc Kinh không muốn thấy quốc gia nào vi phạm sự bình ổn chiến lược toàn cầu.
Tuy Mỹ tuyên bố NMD không nhằm vào Trung Quốc, song giới quan sát cho rằng, lá chắn tên lửa Mỹ đã trở thành mối đe dọa trực tiếp cho lực lượng hạt nhân Trung Quốc. Các chuyên gia ước tính Trung Quốc đang sở hữu khoảng 200 đầu đạn hạt nhân. Trong số này, chỉ từ 40-50 đầu đạn có khả năng tiếp cận lãnh thổ Mỹ. Hơn nữa, việc Trung Quốc thiếu hụt các hệ thống cảnh báo sớm làm cho lực lượng hạt nhân quốc gia này bị động và yếu thế trước đòn tấn công phủ đầu của Mỹ.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.