"Mỹ nam" nào vì cương trực mà bị Tư Mã Chiêu xử trảm?

PV Thứ ba, ngày 05/03/2024 23:10 PM (GMT+7)
Kê Khang căm ghét thói đời, ngạo nghễ bất khuất, chính vì thế mà chàng khinh thường Tư Mã Chiêu, khiến chàng phải gặp hoạ sát thân. Trước khi lên pháp trường, Kê Khang đã gảy một khúc huyền cầm lay động lòng người.
Bình luận 0

Kê Khang - mỹ nam nổi danh thời Nguỵ mạt

Kê Khang, tên chữ là Thúc Dạ, người huyện Chí, quận Tiêu (nay là huyện Túc tỉnh An Huy), là nhân vật lãnh tụ trong nhóm "Trúc lâm thất hiền". Kê Khang chính là một nhà tư tưởng, một thi sĩ và một nhạc sĩ nổi tiếng của thời Nguỵ mạt (thời kỳ Tam quốc), đây còn là một nhân vật đại diện cho trường phái huyền học đương thời. Kê Khang mồ côi cha từ bé, nhưng nhân cách đáng kính hơn người: lòng thẳng thắn cương trực, cần mẫn học hành và có chí hướng của chim hồng chim hộc. Sau Kê Khang cưới cháu của Tào Tháo (con gái của Tào Lâm) làm vợ. Khi họ Tào vẫn đang nắm quyền thì Kê Khang đã làm quan đến chức Trung tán đại phu.

Kê Khang là một tác gia rất hiếm thấy của Trung Quốc cổ đại, vừa tinh thông văn học, huyền học và âm nhạc, lại vừa anh tuấn, phong độ. Người ta đã hình dung về Kê Khang như sau: "Uy phong như con rồng, tư thái như con phượng, thiên chất rất tự nhiên". Sử chép rằng, Kê Khang "thân cao bảy thước tám tấc, phong thái cao nhã, những người gặp chàng đều khen rằng: phong độ tự nhiên, sảng khoái rất mực, cử chỉ thanh thoát. Hoặc bảo rằng: Phong độ như ngọn gió dưới tàn thông, thanh cao mà từ tốn". Để minh chứng cho nhận định này là một câu chuyện sau: một lần Kê Khang vào rừng sâu hái thuốc, có một tiều phu trông thấy bèn ngờ chàng là thần tiên hạ phàm, chỉ vì phong thái của Kê Khang quả thực chẳng thể nào nhầm lẫn với người thường được.

"Mỹ nam" nào vì cương trực mà bị Tư Mã Chiêu xử trảm?- Ảnh 1.

Tranh vẽ Kê Khang.

Kê Khang rất yêu thích âm nhạc, trong bài tựa "Cầm phú", chàng nói rằng: "Từ nhỏ ta đã yêu thích âm nhạc rồi, khi lớn lên thì tìm tòi học tập, bởi lẽ rằng vật có lúc thịnh lúc suy nhưng riêng âm nhạc thì không hề thay đổi; mùi vị có thể ngấy nhưng âm nhạc thì không chán". Đối với đàn và nhạc truyền thống lẫn đương đại, Kê Khang đều rất quen thuộc, điều này có thể thấy được trong bài "Cầm phú" của chàng.

Theo ghi chép của Lưu Tịch trong "Cầm nghị" thì, Kê Khang đã học được "Quảng Lăng Tán" từ con trai của Đỗ Quỳ là Đỗ Mãnh. Kê Khang rất thích nên thường xuyên đàn khúc nhạc này, đến nỗi có rất nhiều người đến xin học nhưng chàng nhất quyết không truyền lại. Sau khi dòng họ Tư Mã lên nắm chính quyền, chàng không muốn hợp tác với kẻ thống trị mới này, bèn cùng Nguyễn Tịch, Hướng Tú, Sơn Đào, Lưu Linh, Nguyễn Hàm , Vương Nhung kết làm "Trúc lâm thất hiền", đối kháng với dòng họ Tư Mã. Sau bị họ Tư Mã sát hại, khi mất chỉ mới bốn mươi tuổi. Trước khi hành hình chàng, có đến ba ngàn thái học sinh đến cầu xin cho chàng nhưng cuối cùng cũng không có kết quả. Trước khi chết, chàng gảy lại khúc nhạc này, đồng thời thở dài và bảo rằng: "Quảng Lăng tán nay đành mất rồi"

Cái tín hiệu Quảng Lăng tản - khúc nhạc sau cuối của Kê Khang lại gợi nhớ đến một câu chuyện thời Chiến Quốc. Thời ấy, nước Tần muốn thôn tính nước Hàn và đã mua được một quan tham nước Hàn là Hiệp Lũy. Một vị quan chính trực của nước Hàn là Nghiêm Trọng Tử biết chuyện đã âm thầm tới gặp sát thủ Nhiếp Chính để nhờ giết Hiệp Lũy, cứu quốc gia.

Cũng vì việc nước mà Nhiếp Chính nhận lời. Sau khi giết tên gian thần Hiệp Lũy, Nhiếp Chính đã cố tình móc mắt, cắt mũi, cắt tai, hủy hoại khuôn mặt để không ai nhận ra, rồi tự vẫn.

Triều đình phơi xác Nhiếp Chính ngoài chợ, treo thưởng cho bất cứ ai có thể nhận dạng cái xác. Không ai có thể nhận dạng.

Chỉ riêng chị gái của Nhiếp Chính biết đấy là em mình và thầm nghĩ: "Em mình vì nước mà ra nông nỗi này, chẳng nhẽ mình vì sự an toàn của bản thân mà không dám khóc em sao?". Vậy là bất chấp tất cả, chị gái Nhiếp Chính đã tới nơi để xác em, khóc thương thảm thiết, rồi tự tử ngay cạnh xác em.

Một Nghiêm Trọng Tử vì nước mà đi tìm Nhiếp Chính, một Nhiếp Chính vì nước mà chấp nhận mất mạng, một người chị gái cũng vì nước, vì em mà quyên sinh - toàn bộ câu chuyện xúc động và đáng ngưỡng mộ ấy được gói trọn vẹn vào một bản nhạc có tên Quảng Lăng tản ngâm khúc, dịch nôm là một khúc nhạc được truyền bá ở vùng Quảng Lăng - một trong thập đại danh khúc Trung Hoa.

Đấy là khúc nhạc rất đặc biệt, được viết nên bởi xương máu và cốt cách của những người anh hùng. Đấy là một khúc nhạc vừa có cái thanh khiết diệu vợi của cốt cách anh hùng, vừa có cái thảm sầu ai oán của những đoạn kết mà những cuộc đời anh hùng phải chịu.

Hàng trăm năm trôi đi, đến thời Ngụy - Tấn, khúc nhạc anh hùng ấy được truyền lại cho một người duy nhất là Kê Khang. Và đến lượt mình, trước khi lên pháp trường chịu chém, Kê Khang gảy khúc nhạc lần cuối trong đời.

Ngày nay, khi khai quật mộ phía nam của cầu Tây Thiện, Nam Kinh, người ta tìm thấy bức gạch có vẽ hình Kê Khang, trong đó khắc hoạ hình ảnh của một Kê Khang đang ngồi khảy đàn, cốt cách hiên ngang mà thanh thoát.

Kê Khang lại là người có đường nhân duyên rất tốt. Vương Nhung bảo rằng, kết giao với chàng trong suốt 20 năm mà chưa từng lúc nào thấy chàng tỏ vẻ khó chịu ra mặt, chính vì thế mà người đương thời truyền với nhau về chàng bằng một cái mỹ danh: "ý tứ xa xôi, tâm tính khoáng đạt". Nhưng Kê Khang lại có lòng dạ cương trực, căm ghét cái xấu, thẳng thắn ngạo nghễ, hễ gặp chuyện thì bộc phát... Bài văn nổi tiếng "Thư tuyệt giao với Sơn Cự Nguyên" cùng với niềm đam mê đối với khúc Quảng Lăng tán của chàng chính là sự thể hiện một tính cách căm ghét thói đời, ngạo nghễ bất khuất của chàng. Cũng chính vì thế mà chàng khinh thường Tư Mã Chiêu, khiến chàng phải gặp hoạ sát thân, đây cũng chính là một ví dụ điển hình của tính cương trực, không a dua, xu nịnh kẻ nắm quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem