Alexander Fishenko - người sở hữu các công ty ở Texas và Mátxcơva, bị cáo buộc hoạt động cho Chính phủ Nga tại Mỹ nhưng không đăng ký.
“Âm mưu công nghệ cao”
Ngày 4.10, những người này đã phải ra hầu tòa tại Houston. Một tuyên bố của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại Houston cho hay, các nghi phạm gồm 6 nam giới và 5 phụ nữ, độ tuổi từ 31-58.
Ông Alexander Fishenko - người gốc Kazhanstan, nhập cư vào Mỹ năm 1994, nhập quốc tịch Mỹ năm 2003 và hiện là Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Arc Electrics Inc có trụ sở tại thành phố Houston, đã bị buộc tội cùng nhóm người khác buôn bán nhưng không có giấy tờ đăng ký các thiết bị điện tử siêu nhỏ hiện đại có thể sử dụng cho việc chế tạo các hệ thống vũ khí hiện đại ở Nga, trao đổi thông tin với các sĩ quan tình báo Nga và cố tìm cách giấu giếm các hồ sơ giấy tờ khi giới hữu trách vào kiểm tra trụ sở công ty.
|
Nhân viên FBI vận chuyển những thùng tài liệu thu được từ Công ty Arc Electriscs của Fishenko ngày 3.10. |
Nhóm người này và Công ty Arc Electrics cũng bị cáo buộc về tội rửa tiền và hoạt động trên lãnh thổ Mỹ với tư cách là một đại diện của Chính phủ Nga nhưng không có đăng ký. Trong cáo trạng, Tòa án Liên bang Mỹ ở thành phố Houston cho biết, từ tháng 10.2008, ông Fishenko và các cộng sự "đã có một nỗ lực có hệ thống để kiếm chác các công nghệ kỹ thuật cao của các nhà sản xuất Mỹ và xuất khẩu chúng sang Nga thu lời hàng chục triệu USD. Các vi mạch điện tử mà nhóm của ông Fishenko kiếm được có thể sử dụng vào một loạt hệ thống vũ khí quân sự. Đây là những thiết bị mà quân đội Nga đang rất cần cho nỗ lực hiện đại hóa.
Các thẩm phán Mỹ cho biết, các cuốn băng ghi âm bí mật các cú điện thoại và email của các bị cáo đã tạo thành những bằng chứng cho thấy tiến trình mua sắm bất hợp pháp của Fishenko và Công ty Arc Electrics là để phục vụ cho Chính phủ Nga.
Nga bác bỏ
Tuy nhiên, Điện Cremli ngày 4.10 tuyên bố, Nga không dính líu gì tới đường dây gián điệp này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Rybakov nói rằng những cáo trạng này có tính chất hình sự chứ không phải tình báo. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng nói rằng, Mátxcơva đang điều tra cặn kẽ về những gì đã xảy ra.
Vụ việc này đã tạo ra những căng thẳng mới giữa Mátxcơva và Washington trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở trong giai đoạn “cài đặt lại” trong một thời gian quá dài.
Mỹ cho rằng, trong số 3 nghi phạm khác đang ở Nga có ông Sergei Klinov - Giám đốc điều hành Công ty Apex System, nhà cung cấp các thiết bị quân sự cho Chính phủ Nga; ông Yuri Savin, được cho là Giám đốc tiếp thị của Công ty Atrilor có trụ sở tại Nga. Tuy nhiên, công ty này đã phủ nhận việc có thuê một nhân viên có tên như vậy.
Ông Andrei Soldatov - chuyên gia an ninh và là người đứng đầu tổ chức Agentura chuyên giám sát các cơ quan tình báo và an ninh cho biết, những sự việc như vậy chẳng còn gì xa lạ dưới thời Xô viết trước đây.
Ông nói: "Đối với tôi, mặc dù vụ việc này có thể dẫn tới nhiều rủi ro cho hoạt động kinh doanh song nó hoàn toàn bình thường. Nhiều công ty và cá nhân đã làm ăn kinh doanh kiểu như vậy từ thời Xô viết. Nhiều ông trùm đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng cách này. Do đó, nếu nói họ đều là điệp viên thì hoàn toàn sai lầm".
Tuy nhiên, ông nói rằng các thể chế quân sự của Nga, vốn đang nỗ lực phát triển công nghệ bị lạc hậu hơn so với Mỹ, có thể tìm cách sở hữu các công nghệ mới thông qua cách này.
Trong một báo cáo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ về số vũ khí hạt nhân Mỹ- Nga, tính đến ngày 1.9, Mỹ có tổng cộng 806 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Số lượng các loại vũ khí tương tự ở Nga là 491 đơn vị. Mỹ có 1.722 đầu đạn hạt nhân lắp đặt trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang được triển khai, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng. Nga có 1.499 đầu đạn hạt nhân trên các phương tiện mang tương tự.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.