Mỹ, Nhật Bản rất thích một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam nhưng yêu cầu phải đạt điều kiện này

Trần Quang Thứ tư, ngày 27/04/2022 15:20 PM (GMT+7)
Hiện nay, lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU còn thấp.
Bình luận 0

Trồng rừng nguyên liệu còn nhiều hạn chế

Chủ trì hội nghị trực tuyến "Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu" tại Bình Định mới đây, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định mặc dù công tác trồng rừng nguyên liệu đã đạt được những kết quả tích cực nhưng để cung cấp đủ gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt 17 tỷ USD vào năm 2022 và 20 tỷ USD vào năm 2025 thì công tác trồng rừng nguyên liệu còn nhiều hạn chế.

"Không chỉ khối lượng gỗ thu hoạch từ rừng trồng chưa đáp ứng đủ lượng gỗ nguyên liệu cho chế biến, lượng gỗ nhỏ, gỗ non chiếm tỷ lệ lớn, không thể sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao. Lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU còn thấp"-Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển rừng gỗ lớn - Ảnh 1.

Cán bộ kiểm lâm Bắc Giang kiểm tra sự phát triển của rừng gỗ lớn. Ảnh: Kiểm Lâm Bắc Giang

"Các địa phương phải quy hoạch được vùng nguyên liệu rừng trồng, tập trung nguồn lực phát triển rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng".

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong chế biến gỗ xuất khẩu, nguyên liệu đóng vai trò quyết định của sự tăng trưởng trong sản xuất và chiếm từ 40-60% cơ cấu giá thành của sản phẩm. Hàng năm, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn để phục vụ sản xuất.

Thế nhưng trong những năm qua, nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới biến động rất lớn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và hiện nay là xung đột giữa Nga và Ukraine. Vậy nên, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng để chủ động gỗ nguyên liệu là kế sách nhằm ổn định sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến gỗ đang hết sức bức thiết, là việc cần làm ngay.

Ông Lập cho biết, Chính phủ Việt Nam ưu tiên, khuyến khích việc phát triển gỗ rừng trồng là gỗ lớn, có chứng chỉ bền vững. Điều này đã thể hiện rõ trong chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp 2006 - 2020 và gần là Chiến lược 2020 - 2030 và tầm nhìn tới 2050, cũng như trong đề án phát triển bền vững ngành chế biến gỗ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3 vừa qua.

"Nguồn cung gỗ rừng trồng có chất lượng là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào kết quả thực tế đến nay của việc trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là trồng rừng có chứng chỉ bền vững FSC thì thấy còn nhiều hạn chế"- ông Đỗ Xuân Lập nhận định.

Dẫn con số thống kê của nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Forest Trends, ông Đỗ Xuân Lập cho hay, tính đến hết tháng 3/2022 tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000ha, tương đương khoảng 5% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam.

Cần có giải pháp đồng bộ

Để bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Việt Nam cần phấn đấu sản lượng gỗ tròn khai thác từ rừng trồng sản xuất đạt 35 triệu m3 vào năm 2025, 50 triệu m3 sản vào năm 2030. 

Đồng thời, phấn đấu diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025, trên 1 triệu ha giai đoạn 2026 - 2030.

Hướng đến mục tiêu này, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) Nguyễn Văn Diện cho rằng cần hoàn thiện, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trồng rừng. Cùng với đó, xây dựng và trình Thủ tướng ban hành quy hoạch quốc gia ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Trong đó tập trung rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng trồng sản xuất hiện có; diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu để phát triển rừng sản xuất; tạo vùng nguyên liệu tập trung, đủ lớn; gắn với quy hoạch các cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ...

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ Nghệ An kiến nghị, để giải được bài toán về nhu cầu gỗ lớn, Nhà nước cần đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra được các loại giống cây gỗ lớn chất lượng cao để cung cấp cho các doanh nghiệp trồng và nhân rộng diện tích. Thứ 2 là đưa ra quy trình trồng gỗ lớn hiệu quả cao nhất, có thể trồng dược liệu dưới tán cây gỗ lớn...

Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland Tuyên Quang cho rằng: Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho người trồng rừng, có cơ chế cho vay vốn cho các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình để trồng rừng gỗ lớn...

Tiếp thu ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Để phát triển vùng nguyên liệu gỗ việc thay đổi nhận thức từ người trồng rừng là điều quan trọng nhất.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT gợi ý các địa phương cần chú trọng công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, kiểm soát được chất lượng giống; đầu tư kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, lựa chọn nghiên cứu các giống cây gỗ lớn phù hợp; đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ người dân, chủ rừng chăm sóc rừng tốt hơn; đẩy mạnh chứng chỉ phát triển rừng bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem