Mỹ sẽ nâng cấp "bóng ma" B-2 nguy hiểm cỡ nào?

Minh Anh Thứ năm, ngày 28/04/2016 11:11 AM (GMT+7)
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Scout Warrior, sĩ quan chỉ huy hoạt động đội bay 349 của không quân Mỹ, thiếu tá Kent Mickelson cho biết, B-2 đang trải qua một quá trình nâng cấp lớn để tiếp tục duy trì uy thế vượt trội cho không quân Mỹ cho tới những năm 2050.
Bình luận 0

Nhiệm vụ của B-2 Spirit

Là một chiếc máy bay ném bom được thiết kế ở thời kì cao điểm của Chiến tranh lạnh, B-2 có khả năng vượt qua hệ thống phòng không của Liên-xô một cách hiệu quả nhờ sự tàng hình vượt trội.

B-2 sẽ đóng vai trò như một máy bay “mở đường”, thâm nhập sâu vào lãnh thổ của đối phương và tiêu diệt hết các hệ thống phòng không hoặc radar, từ đó tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu triển khai tấn công.

img

Máy bay ném bom B-2 có biệt danh là "bóng ma" do có khả năng tàng hình vượt trội

Tuy nhiên, các hệ thống phòng không giờ đang ngày càng hiện đại hơn, sử dụng các chip điện tử nhanh và mạnh, nó hoàn toàn thể dò ra được máy bay tàng hình ngay cả khi ở khoảng cách xa.

Đây chính là lí do không quân Mỹ đang tìm cách nâng cấp máy bay B-2, song song cùng việc phát triển một mẫu máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới.

Những nâng cấp mới

Không quân Mỹ muốn nâng cấp B-2 để nó tiếp tục được sử dụng thêm vài chục năm nữa. Một trong những cải tiến mới đó là hệ thống kiểm soát phòng thủ, công nghệ giúp phi hành đoàn của B-2 xác định được vị trí của các hệ thống phòng không của đối phương. Do đó, nếu có một hệ thống phòng không nào đủ khả năng phát hiện thấy B-2, chiếc máy bay này sẽ chủ động xác định vị trí và tránh xa tầm hoạt động của hệ thống trên. Đây là thiết bị sẽ được Mỹ đưa vào sử dụng trong những năm 2020.

Ngoài ra, sau khi nâng cấp, B-2 sẽ có khả năng trao đổi thông tin tần số cao với vệ tinh nhằm giúp quá trình kiểm soát và chỉ huy diễn ra hiệu quả hơn. Sự nâng cấp truyền thông này sẽ cho phép Tổng thống Mỹ có thể trực tiếp ra lệnh cho phi hành đoàn của B-2 thực hiện nhiệm vụ thay vì phải qua các kênh trung gian khác.

img

Máy bay B-2 (phải) bên cạnh B-52

Theo ông Mickelson, B-2 thường sử dụng các hệ thống chia sẻ thông tin như LINK-16 để giao tiếp với các đài chỉ huy, căn cứ mặt đất, cũng như máy bay không người lái (UAV) hoặc chiến đấu cơ. Tuy nhiên, thông tin từ UAV hoạt động gần B-2 vẫn chưa thể truyền trực tiếp tới mẫu máy bay này mà phải gửi tới trung tâm xử lí ở mặt đất trước. Ông Mickelson cho biết, sau khi nâng cấp, công nghệ mới sẽ giải quyết vấn đề này, giúp máy bay không người lái có thể chia sẻ video trực tiếp với B-2 mà không cần truyền về đài chỉ huy mặt đất.

Do hệ thống máy tính của B-2 đã tồn tại từ những  năm 1980 nên ở lần cập nhật này, nó cũng sẽ được trang bị một chip xử lí hành trình bay mới nhằm tạo điều kiện tích hợp thêm các phần mềm hiện đại hơn. Bộ vi xử lí này được cho là sẽ tăng hiệu quả của các hệ thống điện tử hàng không và máy tính thêm 1000 lần. Mỹ muốn hoàn thành ngay việc nâng cấp hệ thống máy tính của B-2 trong năm 2016 với chi phí của toàn dự án vào khoảng 542 triệu USD.

Vũ khí mới

Theo ông Mickelson, sự nâng cấp mới nhằm giúp B-2 sử dụng được nhiều loại  vũ khí hạt nhân kĩ thuật số thế hệ mới như bom B-61 Mod 12 và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân tầm siêu xa (LRSO).

Bom B-61 Mod 12 là sự kết hợp các biến thể B-61 Mod 3,4,7 và 10 thành một phiên bản duy nhất có khả năng điều hướng bằng bộ cánh ở đuôi. Trong khi đó, tên lửa LRSO sẽ thay thế tên lửa ALCM đang rất phổ biến trên máy bay B-52.

Ngoài vũ khí hạt nhân, B-2 còn mang được hàng loạt loại vũ khí thông thường khác như bom tấn công trực tiếp (JDAM) 900 kg, 2.250 kg, tên lửa không đối đất tầm mở rộng (JASSM-ER) và bom phá boongke 2.250 kg.  Máy bay ném bom  B-2 được cho là có thể mang được cả loại bom thông thường nặng 13.500 kg Massive Ordnance Penetrator (MOP).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem