Mỹ tấn công Syria: Canh bạc ẩn chứa hiểm họa khôn lường

Đại tá Lê Thế Mẫu Chủ nhật, ngày 15/04/2018 11:47 AM (GMT+7)
Rạng sáng ngày 14.4.2018, Mỹ cùng với hai đồng minh Anh và Pháp bất ngờ mở cuộc không kích ồ ạt vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria mượn cớ quốc gia Trung Đông này “sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”. Đây là biến thể kịch bản chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 được lặp lại với hiểm họa khôn lường. Biến thể kịch bản chiến tranh Iraq năm 2003
Bình luận 0

Biến thể kịch bản chiến tranh Iraq năm 2003

Dư luận còn nhớ như in, năm 2003, để phát động chiến tranh xâm lược Iraq nhằm tiêu diệt tổng thống nước này là Saddam Husein, Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell cầm trong tay một chiếc lọ thủy tinh chứa chất bột trắng gì đó, có thể là bột phấn, giơ lên trước mặt các quan chức tại phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và khẳng định như đinh đóng cột rằng “đây là vũ khí hóa học của Iraq”. Mượn cớ đó, Tổng thống G.W.Bush phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq mà không cần được phép của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

img

Bầu trời Damascus (Syria) vào thời điểm bị Mỹ - Anh - Pháp không kích. Ảnh: AP

Về sau, chính Tổng thống G.W.Bush và cựu Thủ tướng Anh Tonny Blair -đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến Iraq, đã phải tự nhận rằng họ đã sai lầm khi dàn dựng chứng cứ giả về vũ khí hóa học của Iraq. Lần này họ lại một lần nữa dựng lên chuyện hoang đường “Quân đội Syria được sự bao che và tiếp tay của Nga đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”.

Để khiến thế giới phải tin vào câu chuyện hoang đường này, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) phối hợp với Cục tình báo Anh (MI6) dàn dựng ra chuyện “Nga sử dụng vũ khí hóa học sát hại cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal” vào ngày 4.3.2018. Để tạo ấn tượng mạnh của vụ việc này, Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh “Nga sử dụng vũ khí hóa học tấn công nước Anh - một thành viên NATO” và là “lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng ở Châu Âu”. Câu chuyện này chính là “khúc dạo đầu” của kịch bản “Syria được Nga bảo lãnh và ủng hộ đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”.

Tuy nhiên, có một chi tiết rất quan trọng là năm 2013, theo đề xuất của Nga, Syria đã thực hiện cam kết hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học, kể cả các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và chế tạo loại vũ khí này dưới sự giám sát và kiểm chứng của Tổ chức cấm vũ khí hóa học. Trên cơ sở đó, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết về vũ khí hóa học của Syria, trong đó khẳng định bất cứ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào quốc gia Trung Đông này liên quan tới vũ khí hóa học chỉ được tiến hành sau khi đã có kết quả điều tra xác minh của Liên Hợp Quốc.

Thế nhưng, bất chấp Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học của Syria, Mỹ không cần chờ đợi kết quả điều tra của các chuyên gia thuộc Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công Syria. Vì vậy, quyết định này của ông Donald Trump đã bị phản đối ngay trong giới chức ở Mỹ, nhân dân Mỹ và trong nội bộ các nước châu Âu.

Tổng thống Nga V.Putin lên án cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria và khẳng định rằng hành động này vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, là gây hấn chống lại đất nước đang đấu tranh cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên quê hương họ. Ông V.Putin còn khẳng định quân đội Nga đang giúp đỡ chính phủ hợp pháp của Syria chống lại mối đe dọa của tổ chức khủng bố trong nước.

Phản ứng thận trọng của Nga

Giới quân sự Nga từng tuyên bố họ sẽ bắn rơi mọi tên lửa của Mỹ và đồng minh nhằm vào các lực lượng của Nga trên lãnh thổ Syria. Do đó, phản ứng của Nga lần này là họ không tham gia đánh chặn các tên lửa của Mỹ và đồng minh sau khi nhận được được thông báo rằng Mỹ, Anh và Pháp chỉ tấn công vào các mục tiêu liên quan tới vũ khí hóa học của Syria.

Hơn nữa, theo tính toán của các chuyên gia quân sự Nga, các loại vũ khí phòng không hiện có trong trang bị của Quân đội Syria hoàn toàn có khả năng đánh chặn các tên lửa của đối phương. Thực tế đã chứng minh nhận định đó của các chuyên gia quân sự Nga. Tất cả 12 tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh hướng tới sân bay Dumeir ở phía Đông thủ đô Damascus đều bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ. Tổng cộng, Syria đã bắn rơi hầu hết trên 100 tên lửa hành trình của Mỹ chỉ bằng các loại vũ khí do Liên Xô chế tạo cách đây 30 năm.

Kịch bản phản ứng sắp tới của Nga hoàn toàn phụ thuộc vào hành động tiếp theo của Mỹ và đồng minh Anh, Pháp. Nếu sau đợt không kích này, phía Mỹ tuyên bố “đã thực hiện được mục đích phá hủy các cơ sở chế tạo vũ khí hóa học của Syria” và ngừng chiến dịch, thì Nga cũng sẽ án binh bất động. Còn nếu Mỹ theo đuổi mục đích tiêu diệt lực lượng của Syria, để tạo điều kiện cho các lực lượng khủng bố củng cố lại đội hình, bổ sung thêm lực lượng và tổ chức các đòn phản công để tái chiếm lãnh thổ của Syria, thậm chí nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi mục đích hủy diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thì có thể Nga sẽ kiên quyết hành động.

img

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa. Ảnh: Tass

Vì sao Mỹ tuyên bố kết thúc sớm đợt không kích Syria?

Trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford thông báo với các phóng viên rằng các đợt không kích ngày 14.4 nhằm vào Syria đã kết thúc sau 60 phút. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Một cuộc tấn công được tiến hành một cách hoàn hảo tối qua”. Còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo mục tiêu các cuộc không kích nhằm vào những kho vũ khí hóa học của Syria đã đạt được. Đáng lưu ý là trước đó các quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng chiến dịch này có thể kéo dài và các cuộc tấn công chỉ chính thức kết thúc khi chính phủ Syria “ngừng sử dụng vũ khí hóa học”.

Trên thực tế, cho đến thời điểm này chưa có kết luận nào từ Liên Hợp Quốc về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học, hơn nữa hiện nay họ đang trên đà chiến thắng và đang truy đuổi tàn quân khủng bố cuối cùng thì dù có sở hữu vũ khí hóa học họ cũng không cần sử dụng chúng.

Theo công bố từ Bộ Quốc phòng Nga, liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã phóng hơn 100 tên lửa hành trình vào lãnh thổ Syria, trong đó có 71 tên lửa đã bị đánh chặn.

Đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với Mỹ khi Syria chưa cần sử dụng tới các át chủ bài, còn Nga chưa cần phải “ra tay”. Có lẽ đây mới là nguyên nhân chủ yếu khiến Mỹ và đồng minh phải bất ngờ ngừng chiến dịch không kích Syria bởi trong tất cả các cuộc chiến tranh do Mỹ và NATO phát động sau Chiến tranh lạnh như ở Nam Tư (1999), Afghanistan(2001), Iraq (2003), Libya (2011), họ chưa bao giờ gặp phải một đối thủ nào đáng sợ như  Syria. Vậy nên, nếu Mỹ và đồng minh tiếp tục hành động phiêu lưu với canh bạc ở Syria, rất có thể họ sẽ gặp phải một “Việt Nam thứ hai” ở Trung Đông./.

Tổng thống Nga V.Putin lên án cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria và khẳng định rằng hành động này vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, là gây hấn chống lại đất nước đang đấu tranh cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên quê hương họ. Ông V.Putin còn khẳng định quân đội Nga đang giúp đỡ chính phủ hợp pháp của Syria chống lại mối đe dọa của tổ chức khủng bố trong nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem