Mỹ tố Trung Quốc khuyến khích ăn cắp công nghệ

Thứ ba, ngày 03/09/2013 06:26 AM (GMT+7)
Sự yên lặng của chính quyền Trung Quốc đối với các vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ được cho là sự khuyến khích ngầm ăn cắp công nghệ nước ngoài.
Bình luận 0
Theo Hãng tin Mỹ AP, thái độ khuyến khích ngầm hành vi ăn cắp công nghệ nước ngoài là môi trường nuôi dưỡng cho các vụ gián điệp công nghiệp ở Trung Quốc (TQ).
Tập đoàn Sinovel của TQ, đã bị truy tố tại Mỹ về tội ăn cắp phần mềm của đối tác kinh doanh Mỹ
Tập đoàn Sinovel của TQ, đã bị truy tố tại Mỹ về tội ăn cắp phần mềm của đối tác kinh doanh Mỹ

Vụ án DuPont

Năm ngoái, Tập đoàn Pangang của TQ bị Mỹ truy tố tội danh gián điệp công nghiệp, và các công tố viên nói tập đoàn nhà nước TQ này muốn có được quy trình tốt hơn để sản xuất titanium dioxide, một chất làm trắng sử dụng trong sơn, kem đánh răng và nhựa, nên công ty này trả thù lao cho điệp viên ăn cắp công nghệ của Tập đoàn Dupont.

Công nghệ sản xuất titanium dioxide (TiO2) là một trong nhiều công nghệ Bắc Kinh muốn có để đáp ứng hoạt động công nghiệp đang nở rộ của họ. Những công ty khác cũng sản xuất được TiO2 nhưng quy trình của DuPont được xem là tiên tiến và kinh tế nhất. Các công tố viên Mỹ nói giới lãnh đạo TQ xem quy trình sản xuất TiO2 là một “ưu tiên kinh tế”, nhưng DuPont không chịu bán hoặc nhượng quyền cho các công ty TQ.

Trường hợp của DuPont cung cấp một cái nhìn chi tiết về việc các công tố viên Mỹ đã cáo buộc một công ty nhà nước TQ ăn cắp công nghệ để sử dụng mà không bị trừng phạt. Hồi tháng 2-2012, Pangang, 3 công ty con và một nhân viên đã bị một tòa án ở San Francisco (Mỹ) buộc tội âm mưu gián điệp kinh tế và thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế. Pangang, có trụ sở ở tỉnh Tứ Xuyên do Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước (thuộc chính phủ TQ) kiểm soát. Các bị cáo khác gồm một người Mỹ gốc TQ nhưng sinh ở Malaysia, bị cáo buộc đã lấy cắp chi tiết quy trình sản xuất của DuPont từ các nhân viên cũ, và hai nhà khoa học DuPont đã nghỉ hưu.

Vụ này có chứng cứ đắt giá cho thấy có thể giới lãnh đạo TQ đã khuyến khích ăn cắp công nghệ. Các công tố viên Mỹ đưa ra một lá thư của bị cáo Walter Liew - người Mỹ sinh ở Malaysia - về cuộc gặp gỡ tại một buổi tiệc năm 1991 với một cán bộ cấp cao là Luo Gan, một trong 9 ủy viên thường vụ Đảng Cộng sản TQ trước khi về hưu năm 2012. Liew viết rằng Luo "đã chỉ thị để tôi hiểu rõ hơn về TQ và đóng góp cho tổ quốc”.

Hai ngày sau đó, ông đã nhận được một danh sách các nhiệm vụ ưu tiên cao và TiO2 là "một trong những dự án quan trọng hơn”. Ở tòa án, Liew phủ nhận việc mình đã gặp Luo và các quan chức cấp cao lúc đó. Nhưng các công tố viên cho rằng trong bức thư ông đã nói thực, vì nó được gửi cho các nhà điều hành TQ, những người có thể kiểm tra độ xác thực của nội dung bức thư. Luo cho đến nay không hồi âm lá thư gửi cho ông thông qua văn phòng báo chí của TQ.
Từ vụ án của DuPont đã hé lộ những bằng chứng về sự khuyến khích của Bắc Kinh đối với các hành vi ăn cắp công nghệ nước ngoài
Từ vụ án của DuPont đã hé lộ những bằng chứng về sự khuyến khích của Bắc Kinh đối với các hành vi ăn cắp công nghệ nước ngoài

Sự liên quan của Bắc Kinh

Những bằng chứng khác về sự liên quan của chính phủ TQ nổi lên cùng vụ bắt ba nhà nghiên cứu Đại học New York hồi tháng 5. Những người này bị cáo buộc cung cấp kết quả một nghiên cứu (do chính phủ Mỹ tài trợ) về hình ảnh cộng hưởng từ cho Viện Công nghệ tiên tiến Thâm Quyến, một trung tâm nghiên cứu nhà nước TQ.

Viện này là một phần của mạng lưới các đơn vị nhà nước khuyến khích tập hợp công nghệ nước ngoài, theo Hamas, Mulvenon và Puglisi. Mulvenon là một chuyên gia về quân sự TQ và Phó chủ tịch Defense Group Inc., một đơn vị hợp đồng tình báo với chính phủ. Hannas là một quan chức chính phủ Mỹ và Puglisi là một chuyên gia phân tích của chính phủ. Theo họ, các nhà khoa học hoặc các công ty mang được công nghệ nước ngoài về TQ sẽ được thưởng tiền mặt, được miễn thuế, giấy phép nghiên cứu hoặc ghế giảng viên đại học.

Các luật sư và chuyên gia tư vấn an ninh khác cho biết họ không thấy dấu hiệu về vai trò của chính phủ trong hầu hết các vụ trộm cắp bí mật kinh doanh bắt nguồn từ TQ. Tuy nhiên, Hannas, Mulvenon và Puglisi cho rằng không thể nói như vậy, vì Bắc Kinh khuyến khích các công ty tìm kiếm công nghệ nước ngoài. Sách của 3 chuyên gia này đều dẫn các chứng cứ gồm tài liệu của chính phủ TQ, mà họ nói cho thấy sự liên quan của các quan chức ở những cấp bậc cao nhất.

DuPont không phải là nạn nhân duy nhất. TQ nổi tiếng như một trung tâm của gián điệp công nghiệp toàn cầu và các chuyên gia tin rằng mức độ của “trung tâm” này ngày càng lớn trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gia tăng sức cạnh tranh trong những lĩnh vực công nghệ cao từ vũ khí, robot đến năng lượng, dược phẩm.

Hiện tượng phổ biến

Trong khi nhiều nạn nhân đâm đơn kiện ở nước ngoài, trải nghiệm của DuPont phản ánh sự im lặng của chính quyền TQ, các công ty TQ bị buộc tội ăn cắp bí mật công nghệ hầu như chẳng bị xét xử. Các chuyên gia tình báo nói đó không là sự ngẫu nhiên. Họ nói Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch âm thầm nhưng liên tục từ những năm 1970 để ăn cắp công nghệ, thông qua các cơ quan tình báo và các công ty TQ, các nhà khoa học và sinh viên du học nước ngoài.

Những thiệt hại từ hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ bắt nguồn từ TQ đã tăng đáng kể từ những năm 1990. Lúc đó, các công ty phàn nàn về việc bị sao chép phim ảnh, phần mềm, thiết kế trang phục... Ngày nay, bọn trộm trí tuệ lại nhắm tới những công nghệ chủ chốt của các ngành công nghiệp có thể kiếm hàng tỷ USD. Chẳng hạn Ti02 là thị trường có giá trị 17 tỷ USD/năm.

Trong một phúc trình hồi tháng 5 của một ủy ban trong đó có cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair, TQ được cho là nơi xuất phát của 50-80% vụ trộm tài sản trí tuệ của Mỹ. Các công ty được khảo sát bởi Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ ước tính họ mất 48,2 tỷ USD trong năm 2009 do các hành vi xâm phạm của TQ. Các công ty đang trở nên dễ bị tổn thương hơn khi họ mở rộng sản xuất và nghiên cứu ở TQ để tiếp cận tốt hơn với thị trường, hoặc để né các chính sách thuế và các chính sách khác ở Mỹ hoặc những nước có chính sách khác với TQ.

Các công ty TQ cũng chi tiêu hàng tỷ USD hằng năm cho việc nghiên cứu phát triển công nghệ của riêng họ trong vi tính, viễn thông và các lĩnh vực khác. Và những người thua thiệt nhất từ tệ nạn ăn cắp tài sản trí tuệ tại TQ bao gồm chính các công ty ở trong nước. Các công ty phần mềm ở TQ và ngành công nghiệp âm nhạc ở nước này đã bị thiệt hại từ hơn 10 năm nay. Hơn 95% các vụ kiện bằng phát minh, bản quyền và thương hiệu ở TQ là của các công ty trong nước kiện công ty trong nước.

Tuy nhiên, quy mô và tinh tế của trường hợp trộm cắp liên quan đến TQ đang gia tăng. Hồi tháng 6, một trong những nhà sản xuất tua-bin gió lớn nhất, Tập đoàn Sinovel của TQ, đã bị truy tố tại Mỹ về tội ăn cắp phần mềm của đối tác kinh doanh Mỹ. Các công tố viên cho rằng giá trị của vụ trộm lên tới 800 triệu USD .

Trong một trường hợp riêng biệt, một nhà khoa học sinh ra ở TQ đã làm việc cho Dow AgroSciences và Cargill Inc bị kết án 7 năm tù vào năm 2012 vì đã đưa bí mật về thuốc trừ sâu và phụ gia thực phẩm cho các mối liên lạc tại một trường đại học TQ ở Đức. Dow AgroSciences đang theo dõi các thị trường hàng hóa sử dụng công nghệ của họ và sẵn sàng khởi kiện, theo một người phát ngôn.

Anh Kiệt (Theo Thế giới & Hội nhập/AP) (Anh Kiệt (Theo Thế giới & Hội nhập/AP))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem