Mỹ - Trung: Vờn nhau và răn đe

Thứ năm, ngày 28/11/2013 07:01 AM (GMT+7)
“Việc Mỹ điều máy bay B-52 bay ngang vùng trời mà Trung Quốc vừa xác lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông là hành động mang tính răn đe, nếu có xung đột xảy ra thì còn phải qua nhiều “công đoạn” nữa”.
Bình luận 0
Tiến sĩ Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân Việt ngày 27.11.

Không lâu sau khi Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên biển (ADIZ) ở khu vực biển Hoa Đông, Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom B-52 bay qua vùng trời này. Tiến sĩ bình luận như thế nào về sự kiện này?

Tàu tuần tra Trung Quốc gần khu vực đảo tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.   Reuters
Tàu tuần tra Trung Quốc gần khu vực đảo tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters

- Theo tôi, hành động của Mỹ chỉ mang tính răn đe. Theo quy định về ADIZ mà Trung Quốc công bố, tất cả các loại máy bay đi vào ADIZ đều phải thông báo trước, nhưng Mỹ đã không làm như vậy. Có thể nhìn nhận sự kiện này theo hình ảnh dễ hiểu rằng, cả Bắc Kinh và Washington đều chỉ muốn “vờn nhau”, chưa có khả năng xảy ra xung đột.

Với Mỹ, họ luôn muốn thiết lập trật tự chung, khẳng định vị thế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và không chấp nhận sự thay đổi hiện trạng vốn có, trong khi Trung Quốc lại đơn phương, tự ý xác lập vùng phòng không theo cách riêng của Trung Quốc nên Mỹ không chấp nhận là điều dễ hiểu.

Trong lúc cộng đồng quốc tế bày tỏ sự lo ngại và phản đối ADIZ của Trung Quốc thì động thái nói trên của Mỹ chắc chắn sẽ rất được dư luận ủng hộ. Liệu điều này có gây áp lực để Trung Quốc thay đổi quyết định?

"Sau biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể sẽ lấn tới để thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Mỹ cảnh báo mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc từ bỏ quan điểm nói trên”.
TS Cù Chí Lợi

- Chắc chắn điều đó sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, Trung Quốc càng như vậy càng bị rơi vào thế cô lập bởi không ít nước phản đối ADIZ này. Hiện vẫn còn quá sớm để nói về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nếu giả định một kịch bản như vậy xảy ra thì phải trải qua nhiều công đoạn khác nữa, ví như sau khi Mỹ điều máy bay, Trung Quốc sẽ bắn trả cảnh cáo qua lại. Từ các bước như vậy mới dẫn đến xung đột, nhưng theo tôi, khả năng xung đột là không có.

Thông thường, sau những tuyên bố của Mỹ gây bất lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh gần như ngay lập tức có phát ngôn “ăn miếng trả miếng”, nhưng lần này Trung Quốc đã không có hành động đáp trả ngay lập tức, phải chăng sự “răn đe” của Mỹ đã có tác dụng?

- Trung Quốc chắc chắn sẽ có câu trả lời cho động thái của Mỹ. Sự im lặng này không có nghĩa là chuẩn bị cho một hành động nào đó.

>> Cư dân mạng Trung Quốc tức tối vì quân đội bị B-52 qua mặt

Trung Quốc đang ấp ủ một kế hoạch lập ADIZ tương tự trên biển Đông, thưa ông, liệu có phải ẩn sau động thái điều máy bay của Mỹ lần này là cảnh báo Trung Quốc không nên làm điều tương tự trên biển Đông?

- Không ngoại trừ khả năng này. Sau biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể sẽ lấn tới để thiết lập ADIZ trên biển Đông. Mỹ cảnh báo mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc từ bỏ quan điểm nói trên. Và nếu thế giới không bày tỏ thái độ, Trung Quốc lại càng dễ dàng áp đặt điều tương tự trên biển Đông.

Xin cảm ơn ông!
Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem