Sai lầm tai hại đã khiến Mỹ nã tên lửa vào máy bay dân sự của Iran (ảnh: Reddit.com)
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran, Tổng thống Iran – ông Hassan Rouhani đã đăng trên trang Twitter của mình: “Những người nhắc đến con số 52 cũng nên nhớ đến con số 290. Đừng bao giờ đe dọa Iran”.
Cả 52 và 290 đều là những con số biết nói. 52 mục tiêu quan trọng của Iran có thể bị tấn công mà ông Trump nhắc đến, tượng trưng cho số nhân viên ngoại giao nước này bị Iran bắt làm con tin năm 1979.
Ở chiều ngược lại, 290 chính là số người Iran bị thiệt mạng, do sự nhầm lẫn tệ hại của Mỹ khi bắn rơi máy bay chở khách của Iran. Thảm kịch với chuyến bay mang số hiệu IR655 của Iran, đã diễn ra theo cách mà không ai có thể ngờ tới.
Theo tạp chí Foreign Policy Journal, vụ việc Mỹ bắn nhầm máy bay dân sự của Iran diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988). Mỹ tham gia cuộc chiến này với tư cách bảo vệ đồng minh trong khu vực.
Sáng ngày 3.7.1988, sau nhiệm vụ hộ tống tàu chở hàng, tàu hải quân Mỹ USS Vincennes đang trên đường di chuyển qua eo biển Eo biển Hormuz (đây là con đường biển chiến lược, nằm giữa vịnh Oman và vịnh Ba Tư), thì bất ngờ bị tấn công bởi một tàu nhỏ Iran.
Tàu USS Vincennes của Mỹ đang trên đường làm nhiệm vụ (ảnh: US Navy)
Hạm trưởng William C. Rogers đã ra lệnh cho tàu USS Vincennes đuổi theo và tiêu diệt tàu Iran. Vào thời điểm cuộc rượt đuổi đang diễn ra, máy bay chở khách Airbus A300, số hiệu IR655 của hãng hàng không Iran Air, đang trên đường bay đến thành phố Dubai, thuộc các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Chiếc Airbus A300 được điều khiển bởi cơ trưởng Mohsen Rezaian, với kinh nghiệm dày dạn hơn 7.000 giờ bay. Ngay khi vừa cất cánh, chiếc Airbus A300 đã lọt vào tầm ngắm của hệ thống radar trên tàu USS Vincennes.
Theo thông tin Mỹ đưa ra, tàu USS Vincennes đã phát tín hiệu yêu cầu máy bay khai báo nhận dạng, nhưng không được hồi đáp. Các sĩ quan tác chiến trên tàu USS Vincennes cho rằng, chiếc A300 là một máy bay tiêm kích F-14 Tomcat của không quân Iran đến tấn công.
Tuy nhiên, phía Iran cho hay, trên đường bay, máy bay của Iran đã bật đầy đủ tín hiệu thông báo, sử dụng hệ thống thu phát tín hiệu mã “squawk” (mã đặc trưng cho máy bay dân sự), duy trì liên lạc với các trạm kiểm soát không lưu trong khu vực và rõ ràng, không thể là mối đe dọa.
Chiếc máy bay chở khách Airbus A300, số hiệu IR655 xấu số của Iran (ảnh: Iranchamber)
Sự nhầm lẫn tai hại đã khiến hạm trưởng tàu USS Vincennes ra lệnh phóng 2 tên lửa hải đối không SM-2MR vào chiếc A300. Cần biết, SM-2MR là một trong những loại tên lửa hải đối không lợi hại nhất của Mỹ vào lúc bấy giờ.
Chiếc Airbus A300 nổ tung, khiến toàn bộ phi hành đoàn cùng 290 hành khách thiệt mạng, trong đó, có 66 trẻ em.
Theo trang History, Iran đã lên án Mỹ và gọi việc bắn hạ máy bay dân sự của nước này là một “cuộc thảm sát dã man”. Tuy nhiên, Mỹ lại đưa ra nhiều lập luận để bảo vệ cho hành động này.
Ban đầu Mỹ cho rằng, máy bay của Iran đã ở ngoài hành lang dành cho các chuyến bay thương mại. Chiếc Airbus A300 đã bay ở độ cao chỉ 7.800 feet (2,38 km) và đang giảm dần độ cao, khi tiến về phía tàu Vincennes, rất phù hợp với hành động của kiểu máy bay tấn công.
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, ngày 19.8, chính quyền Mỹ phải lên tiếng thừa nhận rằng, máy bay Iran đang bay trong hành lang các chuyến bay thương mại, ở độ cao 12.000 feet (3,66 km), và đang không giảm dần độ cao. Chiếc A300 cũng di chuyển với tốc độ thấp hơn nhiều lần, so với lời khai của thủy thủ đoàn trên tàu chiến Mỹ.
Theo tạp chí Foreign Policy Journal, Đại úy William Montford, người có mặt trên tàu USS Vincennes hôm đó, đã lên tiếng cảnh báo hạm trưởng Rogers rằng, mục tiêu đang bay đến “có khả năng là máy bay dân dụng”. Tuy nhiên, ông Rogers gần như “tự thuyết phục bản thân” rằng tàu chiến Mỹ sắp bị tấn công và ra lệnh khai hỏa.
Cuối cùng, các quan chức quốc phòng Mỹ đưa ra kết luận, vụ rơi máy bay Iran là “một tai nạn bi thảm và đáng tiếc”. Báo cáo của Hải quân Mỹ đã quy trách nhiệm cho sai lầm của thủy thủ đoàn và “sự căng thẳng tâm lý” của các binh sĩ lần đầu tham chiến.
Mỹ cũng đổ lỗi cho Iran vì gây ra sự căng thẳng trước đó, khi tàu nhỏ Iran tấn công tàu chiến Mỹ. Nước này cũng cho rằng, Iran không nên cho phép máy bay dân sự hoạt động trong vùng chiến sự. Không hề có lời xin lỗi chính thức nào từ phía Mỹ được đưa ra.
Chuyến bay 103 của Mỹ bị đánh bom khủng bố, CIA nghi nghờ Iran đứng sau (ảnh: BBC News
Theo tờ SBS News, ngày 21.12 cùng năm, chuyến bay 103 trên chiếc Boeing 747-121 số hiệu N739PA, của hãng hàng không Pan American World Airways, đã bị rơi tại Lockerbie (Scotland), sau khi một quả bom phát nổ ngay trên máy bay và giết chết tất cả 270 hành khách.
Libya bị quy trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, theo báo cáo của CIA ngày 22.12.1988, Iran mới chính là thủ phạm đứng sau. Theo đó, Teheran đã ra lệnh cho nổ tung chiếc Boeing 747-121, để trả đũa việc máy bay nước này bị Mỹ bắn hạ. Iran đã ngay lập tức lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.
Theo tờ BBC News, năm 1989, Iran khởi kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế. Ngoại trưởng Iran khi đó - ông Ali Akbar Velayati, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, vụ tấn công của Mỹ “không thể là một sai lầm, mà là một hành động tội ác”.
Năm 1990, hạm trưởng William C. Rogers được hải quân Mỹ trao huân chương vì có “thành tích phục vụ đặc biệt” trong thời gian tham chiến tại vùng Vịnh.
Hơn 30 năm trôi qua, sự việc vẫn là vết thương lớn đối với người dân Iran (ảnh: Reddit.com)
Năm 1996, Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận để chấm dứt chuyện kiện tụng. Theo đó, Mỹ bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc” vì vụ bắn hạ máy bay và đồng ý chi trả 131,8 triệu USD để Iran rút đơn kiện. 61,8 triệu USD là số tiền bồi thường cho gia đình của các nạn nhân người Iran.
Vụ Mỹ bắn rơi máy bay dân sự Iran bị đánh giá là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không thế giới, phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ - Iran suốt những năm qua.
Gần đây, sau sự kiện Mỹ dùng tên lửa tiêu diệt tướng Soleimani, vụ tai nạn này lại một lần nữa được Tổng thống Iran khơi lại, như một mối thâm thù với Mỹ mà người Iran chưa bao giờ quên.
Iran thề sẽ tấn công quân đội Mỹ để trả thù việc tướng hàng đầu của nước này bị tiêu diệt. Điều này khiến...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.