Phán quyết này đã không như kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) khi phản hồi phán quyết sơ bộ của DOC đưa ra hồi cuối tháng 5 vừa qua, rằng mức thuế chính xác trong vụ kiện này đối với tôm Việt Nam phải là 0%.
Mức thuế giảm hơn trước
Theo phán quyết cuối cùng của DOC, cả hai bị đơn chính thức trong vụ kiện chống trợ cấp lần này gồm Công ty Minh Quý (công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú, Cà Mau) và Công ty Nha Trang Seafoods đều bị áp thuế ở mức cao.
Mức thuế chống bán phá giá ở mức cao sẽ khiến tôm Việt Nam thiếu sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ (ảnh minh hoạ).
Cụ thể, mức thuế dành cho các sản phẩm của Nha Trang Seafoods đã giảm mạnh, chỉ còn 1,15% so với mức 7,05% trong phán quyết sơ bộ. Trong khi đó, Công ty Minh Quý bị áp mức thuế 7,88%, tăng so với mức 5,08% trong phán quyết sơ bộ. Mức thuế chung cho tất cả các công ty khác của Việt Nam được điều chỉnh giảm từ 6,07% xuống còn 4,52%.
Như vậy, mức thuế mà DOC đưa ra trong phán quyết cuối cùng lần này nhìn chung đã giảm hơn so với mức được đưa ra trong phán quyết sơ bộ hồi cuối tháng 5.2013.
Cũng trong phán quyết cuối cùng này của DOC, Indonesia và Thái Lan được miễn thuế. Ngược lại, mức thuế suất chống trợ cấp sản phẩm tôm đông lạnh đánh vào các bị đơn còn lại trong vụ kiện này cũng rất cao. Mặc dầu vậy, phán quyết của DOC sẽ còn phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC).
Tiếp tục phản đối DOC
Dù mức thuế dành cho sản phẩm tôm đông lạnh Việt Nam đã giảm hơn trước, tuy nhiên, theo các DN chế biến, xuất khẩu trong nước, đây vẫn là mức thuế áp đặt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Mỹ. Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến -Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho rằng, quyết định áp thuế chống trợ cấp là một sự áp đặt bất công với các DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong lúc các DN đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận bất kỳ trợ cấp nào của Nhà nước trong nhiều năm qua.
"Người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ chịu tác động trực tiếp, phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu, trong khi hiện nay tôm nhập chiếm trên 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường này”.
Ông Trương Đình Hòe
|
Ông Hòe cho rằng, cùng với thuế chống bán phá giá, việc sản phẩm tôm Việt Nam phải gánh 2 loại thuế khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, công nhân đang hoạt động trong ngành nuôi, chế biến tôm tại Việt Nam.
Là DN phải chịu mức thuế 4,52%, ông Trần Văn Lĩnh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, việc DOC nói ngành nuôi trồng, chế biến tôm nước này bị thiệt hại do tôm nhập khẩu là không thỏa đáng. Vì năm 2012, ngành tôm nội địa Mỹ đã có sự tăng trưởng đáng kể về cả sản lượng và giá cả.
Hơn nữa, DN Việt Nam cũng không bán phá giá tôm vào thị trường này, hiện tại, giá tôm vào Mỹ đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Ông Lĩnh cũng cho rằng, mức thuế này một lần nữa khiến DN Việt Nam thêm “bầm giập”, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam tại Mỹ, cụ thể là với Indonesia và Thái Lan (đây là 2 nước đứng đầu trong việc xuất khẩu tôm vào Mỹ).
Theo ông Hòe, VASEP phản đối phán quyết trên của DOC, đồng thời đề nghị ITC xem xét công tâm để đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.
Thuận Hải ( Thuận Hải )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.