Có những dịch vụ giúp người thuê làm giả đám tang như thật (ảnh minh họa)
Greenwood hiện tại là giáo viên văn học sáng tạo tại ĐH Columbia (Mỹ). Trước kia cô bị ám ảnh rằng mình sẽ không thể khoản nợ học phí hàng trăm nghìn USD nên đã thử trốn tới Philippines để thực hiện "chết trên giấy tờ", nhưng nhanh chóng dừng lại vì nhận ra đó là ác mộng chứ không lãng mạn như tưởng tượng.
Cuốn "Playing Dead" của cô có đề cập tới chướng ngại, kiêm phương pháp khả thi duy nhất, đó là công nghệ thời đại số. Cô đã phỏng vấn các nhân vật từ nhiều phía, ví dụ như Steve Rambam, nhân viên điều tra các vụ giả chết và lừa tiền bảo hiểm, cùng cựu tư vấn viên Frank Ahearn chuyên giúp đỡ các khách hàng "bốc hơi" êm đẹp tại Mỹ.
Cả hai đều từ chối cung cấp những mánh khóe nghề nghiệp và chỉ tiết lộ những sai lầm thường thấy khiến phi vụ đổ bể. Đây là điều dễ hiểu vì những bí mật chi tiết sẽ khiến thị trường đầy béo bở này ở Mỹ sụp đổ.
Giúp khách hàng giả chết là một ngành kinh doanh béo bở ở Mỹ (ảnh minh họa)
Frank Ahearn cho rằng "chết" trong thời kỳ công nghệ dễ dàng hơn nhiều với chỉ vài cú click chuột đặt vé và một cú điện thoại xem nhà mới ở điểm đến. Đương nhiên nếu đương sự đang trốn án hay lừa tiền bảo hiểm thì chuyện không đơn giản như vậy vì nhất cử nhất động sẽ bị theo dõi.
Trong trường hợp đó sẽ có gói dịch vụ cao cấp hơn, và đây là các phi vụ chủ yếu. Người thường không nợ nần hay kể cả không có người thân hiếm khi muốn giả chết và bắt đầu lại cuộc sống, trừ trường hợp các phụ nữ muốn trốn khỏi người chồng hung bạo.
Ngoài ra, người ta cũng có thể tạo các dấu vết giả trên mạng như đương sự đặt cọc mua nhà ở thành phố Seattle, nhưng thực tế người này đang ở Oregon. Còn lại các tiện nghi liên quan tới internet đều bị "cấm cửa", như điện thoại thông minh.
Tuy nhiên nhiều người không thể kiềm chế mà tự tìm kiếm chính mình trên Google hay như Patrick McDermott, giả chết đuối nhưng bị bại lộ vì tự truy cập vào trang web đăng tin tìm kiếm mình sau này. Cảnh sát chỉ việc lần theo đầu mối.
Một đám tang giả
Một trường hợp ngớ ngẩn khác là Raymond Roth cùng con trai giả chết lừa tiền bảo hiểm năm 2012. Roth đã xóa sạch bằng chứng nhưng lại bỏ quên hộp thư và tất cả đổ bể. Công nghệ thực sự là một chướng ngại lớn, do nó ăn sâu vào lối sống của chúng ta. Chưa tính các cơ quan an ninh, thì sở hữu một chiếc smartphone cũng đã là từ bỏ mọi quyền riêng tư.
Trở lại với trường hợp của Greenwood. Phương thức cô thuê từ chợ đen Philippines đã khá cổ lỗ sĩ, với xác giả, đám tang dàn dựng và giấy tờ giả, hoàn toàn không có công nghệ can thiệp. Một người "đã chết" cô từng phỏng vấn cũng thuê dịch vụ từ trang web mang tên Confidental Accesss, nhưng dịch vụ này đã bị bại lộ năm 2012.
Có thể vẫn tồn tại rất nhiều dịch vụ tương tự trong "deep web" - phần chìm của tảng băng thế giới mạng, yêu cầu kiến thức tin học để truy cập.
Đa số các trường hợp giả chết để lấy tiền bảo hiểm
Ngoài tránh xa internet thì việc "biến mất" cũng bắt đầu từ những thứ đơn giản. John Darwin dàn dựng tai nạn đua thuyền năm 2002 tại London và "chết" được 6 năm. Suy nghĩ của ông khá đơn giản, chỉ cần một nhân dạng khác biệt như để râu, nhất là khi sống trong thành phố gắn đầy camera an ninh như thủ đô London.
Frank cho biết dù có vượt qua tất cả các bước thì bất kỳ ai cũng để lại dấu vết số theo cách nào đó. Vậy thay vì cố gắng xóa dấu vết, những "người chết" này nên tạo ra các dấu vết chồng chéo. Ví dụ như thuê một người mua di động, thuê dịch vụ trực tuyến qua Ấn Độ để người này thuê một người khác tại Uzbekistan. Tức là tạo ra càng nhiều bước chồng chéo càng tốt nếu muốn biến mất hoàn toàn.
Công nghệ quả là con dao hai lưỡi. Nhưng nhìn lại các vụ giả chết từ xưa cho tới nay, hoàn cảnh chỉ là một yếu tố. Điều quan trọng nằm ở con người. Con người khó mà tránh khỏi bạn bè hay xa con cái mãi mãi. Họ cần có ý chí quá lớn để thực sự biến mất, nhất là khi càng ngày càng có nhiều cách kết nối con người với nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.