Myanmar tập trung xóa đói nghèo khu vực nông thôn

Thứ hai, ngày 15/04/2013 09:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngân hàng Thế giới (WB) và Myanmar vừa phê duyệt Dự án Chiến lược phát triển quốc gia (CDD) dựa vào cộng đồng.
Bình luận 0

Qua đó WB đang dần đẩy mạnh hỗ trợ cho cải cách nền kinh tế, xây dựng các chương trình phát triển có lợi cho tất cả người dân Myanmar, đặc biệt là người nghèo.

Dự án được tài trợ 80 triệu USD, Chính phủ Myanmar cũng sẽ đóng góp khoảng 6,3 triệu USD. Bộ Phát triển nông thôn sẽ thực hiện dự án với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của WB. Trước mắt, dự án được thực hiện tại 15 thị trấn của Myanmar.

Trong các vùng nông thôn của Myanmar, nơi chiếm hơn 70% dân số mà hầu hết là người nghèo, người dân ít có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ và cơ sở hạ tầng tiên tiến bởi quốc gia này từ lâu vẫn tồn tại những xung đột vũ trang giữa chính phủ và các lực lượng đối lập. Sau khi chính phủ mới được thành lập vào cuối năm 2010, WB đã mở văn phòng tại Myanmar vào tháng 8.2012 và triển khai Dự án CDD nhằm giải quyết những thách thức này sớm nhất, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Myanmar giúp người dân tiếp cận và sử dụng những dịch vụ tốt hơn phục vụ cho cuộc sống của họ.

“Việc tham vấn ý kiến tại các cộng đồng địa phương là bước đầu tiên trong quá trình thiết lập dự án. Cộng đồng địa phương sẽ lựa chọn cách họ muốn chi tiêu các khoản tài trợ - có thể đó là xây dựng đường giao thông, cầu cống, trạm y tế hoặc sửa chữa trường học hoặc xây dựng nhà máy xử lý và cung cấp nguồn nước sạch cho người dân”- ông Kanthan Shankar- Giám đốc Quốc gia của WB tại Myanmar cho biết.

Ở cấp làng bản, người dân sẽ bầu thành viên để phục vụ trong một ủy ban giám sát việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng nhỏ. Để đảm bảo tính minh bạch, công khai, các cuộc họp thường xuyên sẽ được tổ chức, và các thành viên ủy ban sẽ báo cáo lại cho cả làng về tình hình chi tiêu và thực hiện các dự án mà cộng đồng đã đồng ý thông qua. Các biện pháp cũng sẽ được thực hiện để đảm bảo phụ nữ được thể hiện như nhau trong các ủy ban. “Điều quan trọng là phụ nữ có tiếng nói trong quá trình thực hiện dự án cũng như đóng góp chung dài hạn vào phát triển kinh tế nông thôn. Mỗi làng sẽ chọn cả hai đại diện nữ và nam”- ông Shankar giải thích.

Dự án này đặt nền tảng cho phép Myanmar đạt được tăng trưởng kinh tế toàn diện, tập trung vào việc hỗ trợ cải cách và giúp đỡ xây dựng các thể chế mạnh để cải thiện quản lý kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem