Mỹ-Trung “hoãn binh” và dự báo bất ngờ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 05/12/2018 11:27 AM (GMT+7)
Trước diễn biến mới của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, thế giới sẽ được chứng kiến cuộc cạnh tranh này dưới nhiều dạng thức khác nhau. Diễn biến lúc thì căng thẳng, lúc lại dịu bớt. Cuộc cạnh tranh này không chỉ là kinh tế đơn thuần, mà còn liên quan tới yếu tố địa-chính trị và Việt Nam phải đón lấy cục diện hỗn hợp này.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự và dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF).

Sáng 5.12, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) với chủ đề "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới" lần đầu tiên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự và dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có những chia sẻ, dự báo về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam trong giai đoạn 10-15 năm tới.

Chu kỳ 10 năm khủng hoảng kinh tế 1 lần

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong ngắn hạn, theo dự báo của WB, IMF, tốc độ kinh tế sẽ giảm xuống. Nhưng vấn đề đặt ra là: Từ nay tới 2030, liệu có xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính nào không?  

Nhìn lại vài thâp niên vừa qua, cứ 10 năm lại có một cuộc khủng hoảng. Năm 1973, Thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng dầu lửa. Tới năm 1980, tiếp tục có một cuộc khủng khoảng nữa. Ngay cả Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 Thế giới lúc đó cũng chịu tác động, dẫn tới kinh tế bong bóng. Năm 1997, xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Còn năm 2008, là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Liệu rằng 10 năm tới, hiện tượng này có lặp lại không?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: “Tôi nghĩ rằng, khả năng bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ trong vài năm tới không nhiều. Nhìn sang các nền kinh tế lớn trên Thế giới hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự suy thoái, mặc dù tăng trưởng kinh tế có tụt giảm. Tiếp đó, sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2018, Thế giới đã có nhiều biện pháp ngăn chạy nguy cơ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng. Trong đó, có sự củng cố hệ thống tài chính-ngân hàng.

Song liệu có thực sự bùng phát một cuộc khủng hoảng trong thời gian từ nay tới năm 2030 hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cá nhân tôi cho rằng bên cạnh cuộc cạnh tranh về thương mại, đáng lo ngại hơn là nếu xảy ra cuộc chiến tranh tiền tệ, chưa ai có thể đoán trước tình hình kinh tế sẽ thế nào? Lúc đó, thế giới chịu ảnh hưởng, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng”.

Việt Nam giữa cục diện hỗn hợp

Nói về những diễn biến gần đây trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng nhiều người gọi là chiến tranh thương mại, có người cho rằng đó chưa phải chiến tranh mà gọi là cạnh tranh, cọ sát thương mại. Vấn đề đặt ra là sự kiện này là một sự kiện tức thời hay sẽ kéo dài. Vì trên Thế giới đâu phải chỉ môt lần diễn ra chiến tranh thương mại. Cuộc cạnh tranh thương mại hiện nay sẽ ra sao?

img

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Ông Vũ Khoan chia sẻ: “Theo cảm nghĩ của tôi, cuộc cạnh tranh này sẽ lên xuống, có lúc sẽ căng thẳng, có lúc lại dịu đi như những diễn biến chúng ta được chứng kiến tại Hội nghị G20, được gọi là: hoãn binh kinh tế.

Tôi nghĩ chắc rằng, trong các năm tới, thế giới sẽ được chứng kiến cuộc cạnh tranh này dưới nhiều dạng thức khác nhau. Diễn biến lúc thì căng thẳng, lúc lại dịu bớt. Cuộc cạnh tranh này không chỉ là kinh tế đơn thuần, mà còn liên quan tới yếu tố địa-chính trị. Đây là cuộc cạnh tranh về vị thế trên thế giới nên sẽ không dễ gì thay đổi. Do đó, trong thời gian sắp tới, sẽ xuất hiện một cục diện. Trong đó, trật tự kinh tế cũ không mất hẳn, trật tự kinh tế mới chưa thắng thế hoàn toàn. Sẽ là một cục diện mix (pha trộn-PV), vừa cạnh tranh vừa hợp tác, vừa đơn phương vừa đa phương”.

Đối với các quốc gia như Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đưa ra lời khuyên: “Phải đón lấy cục diện hỗn hợp này”.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cách tiếp cận tốt nhất với Việt Nam là tiếp cận 3 trong 1, trong đó, một cách đối phó có 3 việc phải làm: Thứ nhất, giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế. Gia tăng nội lực của bạn thân, tranh thủ nguồn lực từ Thế giới; Thứ hai, tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu cho một thế giới tự do. Trong đó, tự do hóa thương mại vẫn là chủ yếu; Thứ ba, thích ứng với những thay đổi. Có những thay đổi ngoài ý muốn của Việt Nam và nhiều nước, trong đó, có những luật chơi cơ bản cũng đứng trước thách thức. Việt Nam sẽ ứng phó ra sao?

Không thế xây dựng thành phố văn minh nếu công dân bình thường không văn minh

Thế giới sẽ bước vào thời kỳ mới, dưới tác động của Cách mạng 4.0 và sự xuất hiện của nhiều mô hình mới. Mô hình phát triển của các quốc gia sẽ thay đổi sâu sắc. Việt Nam sẽ phải tiếp cận với điều này.

Từ nay tới 2030, độ tuổi dân số vàng của Việt Nam sẽ kết thúc và tới độ tuổi dân số già. Thế mạnh lao động giá rẻ sẽ không còn, tài nguyên thiên nhiên sẽ bị hạn chế, điển hình là dầu lửa, than. Sẽ phải lựa chọn mô hình phát triển dựa trên KHCN. Là nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, việc lựa chọn mô hình thích hợp cho 10 năm sắp tới là vấn đề đối với Việt Nam.

Nhân tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực. Vấn đề với Việt Nam là phải đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục.

"Tôi nghĩ trong thời đại hiện nay, nó liên quan tới cả 3 tầng lớp. Thứ nhất, tầng lớp sáng tạo. Thứ hai, tầng lớp vận hành. Thứ ba, toàn thể xã hội. Không thể xây dựng một thành phố văn mình nếu những công dân bình thường không văn minh. Vấn đề đào tạo nhân lực rộng hơn rất nhiều so với các đối tượng đang đi học", ông Vũ Khoan nói.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhắc lại lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều cuộc thay đổi trật tự thế giới, có nước mới ngoi lên, có nước cũ yếu đi. Việc va chạm có xảy ra chiến tranh, nhưng ông mong không xảy ra điều đó. Hiện tại thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, không kém gì chiến tranh lạnh. Việt Nam nằm ở khu vực rất nhạy cảm.

“Tôi cho rằng Việt Nam phải chọn một con đường, chúng ta không phải chọn đứng về ai, mà phải chọn đứng về lợi ích nào. Việt Nam nên chọn hòa bình, hợp tác, thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác. Càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa”, ông Vũ Khoan nói.

  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem