Năm 2015, Cần Giờ sẽ thành huyện nông thôn mới

Thứ ba, ngày 01/05/2012 21:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng loạt kế hoạch nước rút đang được triển khai nhằm đưa Cần Giờ trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước.
Bình luận 0

LTS: Với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa các tỉnh phía Nam, thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, TP. Hồ Chí Minh đang dồn sức thí điểm xây dựng các xã nông thôn mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Qua một thời gian triển khai, bộ mặt nông thôn ở các huyện ngoại thành đã thay đổi, đời sống của người dân khá lên. Với tốc độ xây dựng như hiện nay, việc TP. Hồ Chí Minh sẽ về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới là trong tầm tay...

img
Từ những căn nhà tranh lụp xụp, nông dân Cần Giờ đã có những căn nhà khang trang.

Lâu nay, khi nói về việc xây dựng nông thôn mới (NTM), mọi người đều chỉ nghĩ đến mô hình xã NTM, ít ai biết rằng TP.HCM đang quyết liệt thực hiện một đề án: Xây dựng huyện Cần Giờ - nơi xa xôi và còn khó khăn nhiều mặt nhất của thành phố, thành huyện NTM đầu tiên trên cả nước.

Ý tưởng này xuất phát từ sau chuyến đi thực tế của Sở Ngoại vụ TP.HCM qua Trung Quốc tìm hiểu mô hình NTM theo chỉ đạo của Thành ủy. Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã yêu cầu Sở Ngoại vụ chuyển giao toàn bộ tài liệu cho huyện Cần Giờ tham khảo để lập đề án xây dựng huyện NTM với một mệnh lệnh: “Phải xây dựng bằng được huyện Cần Giờ thành huyện NTM vào năm 2015”.

Đột phá trong xây dựng NTM

Theo ông Đoàn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ kiêm Phó ban chuyên trách Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, trên cơ sở nghiên cứu tài liệu do Sở Ngoại vụ TP.HCM cung cấp, tháng 12.2011, UBND huyện đã có đề cương chi tiết về đề án xây dựng Cần Giờ thành huyện NTM.

Theo đó, kế hoạch này được chia làm 2 thời kỳ: Niên độ 2011-2015, mục tiêu đặt ra là xây dựng 6/6 xã của huyện đều đạt chuẩn xã NTM, đồng thời cơ bản đạt yêu cầu tiêu chí khung NTM cấp huyện theo nhiệm vụ đề ra và tạo sức hấp dẫn của môi trường tự nhiên, môi trường sống, môi trường quản lý xã hội văn minh, hiện đại.

Thời kỳ thứ 2 từ 2016-2020 sẽ củng cố, nâng cao chất lượng xã NTM, huyện NTM. “Chúng tôi quyết tâm xây dựng huyện Cần Giờ thật sự trở thành một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn của cả nước và quốc tế, dù chưa có tiền lệ” – ông Sơn nhấn mạnh.

Quyết tâm này không chỉ có ở Cần Giờ mà ngay cả ở cấp thành phố. Bằng chứng là trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp thành phố là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua tại các cuộc họp giao ban định kỳ với ban chỉ đạo NTM các quận, huyện mà thấy trưởng ban cử người đi họp thay, ông Đua đều phê bình và yêu cầu trưởng ban phải đi dự để về triển khai cho hiệu quả. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt này, tốc độ xây dựng huyện NTM ở Cần Giờ đạt kỷ lục, chỉ 8 tháng từ khi có chỉ đạo của Thành ủy, đề án đã xây dựng xong.

Lấy nông dân làm cốt lõi

Ông Sơn nhấn mạnh: Cần Giờ xem việc xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng của tiến trình hiện đại hóa huyện. Cụ thể, huyện có 6 xã và 1 thị trấn thì hiện đang triển khai xây dựng NTM tại 3 xã là Lý Nhơn, Bình Khánh và Tam Hiệp. “Trong đó, xã Lý Nhơn thực hiện thí điểm xây dựng NTM từ năm 2010. Qua 2 năm thực hiện, đến nay xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí và dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ đạt chuẩn xã NTM theo quy định Chính phủ. Đồng thời với việc xây dựng NTM cho 3 xã này, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng NTM cho 3 xã còn lại, phấn đấu đến 2015 đạt 100% số xã NTM” – ông Sơn cho hay.

Để đạt được mục tiêu đó, huyện đề ra nhiệm vụ phát triển sản xuất là cơ sở vật chất và tiền đề của xây dựng NTM, là quá trình phát triển nông nghiệp hiện đại, hướng đến nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống nhân dân. Những kết quả rõ ràng là trước đây xã đảo Thạnh An không có điện, giờ đây người dân có thể dùng điện thoải mái nhờ nguồn điện mặt trời do huyện đầu tư.

Huyện Cần Giờ có 6 xã và 1 thị trấn. Trung tâm hành chính huyện đặt tại thị trấn Cần Thạnh. Trong các xã của huyện có Thạnh An là xã đảo không có kết nối giao thông bằng đường bộ. Dân số vào cuối năm 2011 là 70.697 người, trong đó số người làm nông nghiệp chiếm 42%.

Trước đây, Thạnh An không có trường học nên học sinh đi học rất khó khăn, thường phải qua đò, giờ đã có trường tiểu học, THCS và đang phấn đấu xây thêm trường THPT. Con đường Rừng Sác đã xây dựng xong, trở thành trục xương sống kết nối đô thị với bán đảo Cần Giờ.

Nhờ giao thông thuận lợi, du lịch phát triển theo nên người nông dân cũng được hưởng lợi khi đưa được những sản phẩm nổi tiếng như: Khô cá dứa, mãng cầu, xoài, tôm, cá… ra tiêu thụ. Chưa hết, một dự án xây cầu nối Nhà Bè và Cần Giờ thay cho bến phà Bình Khánh cũng đang được lên kế hoạch.

Chỉ tiêu huyện đặt ra trong thời kỳ 2011-2015 là đảm bảo tốc độ tăng trưởng từ 13% trở lên hàng năm; tổng lượng du khách đến Cần Giờ từ 1,1-1,5 triệu lượt người vào năm 2015; giải quyết căn bản vấn đề ô nhiễm môi trường, mở rộng diện tích che phủ rừng và mảng xanh cảnh quan đô thị, nông thôn... “Riêng thu nhập bình quân đầu người có thể đạt 4.000 - 5.000 USD/người/năm với quy mô dân số đạt 120.000 người vào năm 2020”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem