Làm việc với Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố (MAUR) trưa 13.3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, Metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án rất quan trọng, mở đầu cho thời gian 10-15 năm hình thành hệ thống đường sắt đô thị của thành phố.
"Vạn sự khởi đầu nan, chúng ta phải làm thành công tuyến Metro Số 1, sau đó đến tuyến số 2, thì các tuyến khác mới tốt hơn", ông Nhân nói.
Metro chỉ phát huy tốt hiệu quả khi hình thành được hệ thống gồm nhiều tuyến kết nối với nhau. Với tiến độ như hiện nay, phải mất ít nhất 30 năm nữa mới có thể hoàn thiện hệ thống metro như quy hoạch. Vì vậy, Bí thư Thành ủy yêu cầu MAUR cần có mục tiêu tổng thể, thời điểm đưa cả 8 tuyến vào hoạt động, cần học hỏi các mô hình đầu tư, vận hành metro ở các nước, xem hiệu quả kinh tế họ ra sao để triển khai cho thành phố.
Hầm Metro nối từ ga Ba Son đến Nhà hát thành phố cơ bản hoàn thành. Ảnh: Hữu Công.
"UBND thành phố cùng MAUR đi tham khảo ở các nước đã có hệ thống metro hoàn chỉnh, tìm hiểu xem họ có cơ chế gì để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến metro. Hay đặt hàng Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo tìm kiếm nguồn tài chính để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị", ông Nhân đề nghị.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng gợi ý MAUR nghiên cứu việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến metro, bởi nhiều chuyên gia cho rằng nếu việc này được làm hợp lý sẽ là nguồn lực dùng đầu tư trở lại các tuyến metro.
Đối với việc tạm ứng cũng như giải ngân vốn cho Metro Số 1, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết lãnh đạo thành phố đã gửi văn bản đến Thủ tướng. Trên tinh thần này Trung ương sẽ phân cấp cho thành phố.
"Tiền thì Nhật Bản đã cho vay rồi, đã chuyển vào tài khoản rồi, không giải ngân được là lỗi của mình. Cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương chưa tốt nên mới xảy ra tình trạng thiếu nợ nhà thầu như thời gian qua. Chúng tôi cũng thấy rất ngại và đang cố gắng khắc phục", ông Nhân nói.
Về phía UBND thành phố, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, trình Thủ tướng giao cho TP.HCM phê duyệt điều chỉnh, sau đó làm thủ tục giải ngân ngay. "Các nhà thầu có thể yên tâm", ông nói.
Liên quan vấn đề nhân sự của MAUR, thành phố sẽ sớm bổ sung Phó ban, sau đó cũng xem xét bố trí người để chuẩn bị cho việc đưa tuyến Metro Số 1 vào hoạt động. Ngoài vướng mắc trong việc giải ngân vốn như thời gian qua, thành phố quyết không để xảy ra khó khăn về thủ tục cũng như trách nhiệm của các sở ngành.
Theo ông Tuyến, các nhà thầu không dám khẳng định nhưng thành phố đặt ra mục tiêu là phải hoàn thành dự án cuối năm 2020. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng thống nhất sẽ vận hành vào đầu năm 2021.
Trước đó, sáng cùng ngày, lãnh đạo thành phố đi kiểm tra tiến độ các hạng mục ga Phước Long, Ba Son, hầm Metro nối từ Ba Son đến Nhà hát thành phố và đoạn nối từ Nhà hát thành phố đến Bến Thành.
Khởi công tháng 8.2012, tuyến Metro Số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2020.
Hiện, công trình đã hoàn thành được 62% khối lượng. Để đảm bảo tiến độ thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, UBND thành phố kiến nghị Trung ương tạm ứng 2.150 tỷ đồng để trả nợ nhà thầu hoặc ủy quyền cho thành phố tạm ứng.
Cũng liên quan đến tuyến Metro Số 1, mới đây UBND thành phố đã tạm ứng 39 tỷ đồng để chi tiền lương, thu nhập, khen thưởng và phúc lợi, đào tạo... cho 166 nhân viên của MAUR. Bởi từ cuối tháng 1 đến nay cán bộ, viên chức và người lao động của ban chỉ nhận được hai tháng lương theo mức lương cơ sở.
Thời gian qua dự án gặp nhiều rắc rối như: Phó BQL tự ý đi nước ngoài khi chưa được phép, Trưởng ban xin nghỉ vì lý do sức khỏe, khủng hoảng nhân sự; dự án cũng liên tục rơi vào cảnh thiếu vốn; tổng mức đầu tư chưa được phê duyệt do bị đội vốn... Tuy nhiên, các vấn đề này đã cơ bản được giải quyết.
Hữu Công (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.