Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, năm 2023, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng tình ủng hộ của người dân đã đưa nền kinh tế nước ta vượt qua "các cơn gió ngược", đạt được những thành quả rất ấn tượng.
Các chỉ tiêu kinh tế ấn tượng, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng
Cụ thể, GDP tăng 5,05%, chỉ số tăng giá CPI chỉ là 3,25% thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra, tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 4,92%, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có giá trị tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay.
"Năm 2023, cả nước có thêm 731 km đường cao tốc chiếm 40,6% trong tổng số hơn 1.800 km đường cao tốc mà cả nước đã thực hiện trong hơn 20 năm qua, đây là một kết quả rất ấn tượng", ông Châu nói.
Đặc biệt, việc khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 đã khẳng định người Việt Nam đã làm chủ được công nghệ cầu lớn, từ thiết kế đến thi công, quản lý vận hành, tư vấn giám sát và nhất là công trình này hoàn toàn sử dụng nguồn vốn trong nước, không phải vay vốn nước ngoài với suất đầu tư thấp hơn so với công trình cầu Mỹ Thuận 1, và việc khánh thành công trình sân bay Điện Biên (mở rộng) đón được máy bay lớn A320, A321 phục vụ cho cả vùng miền núi Tây Bắc của Tổ quốc…
Trên cơ sở các thành quả của nước ta đã đạt được, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã có những đánh giá rất tích cực như Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "ổn định" và Tổ chức xếp hạng Moody's cũng đã công bố giữ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng "ổn định".
Theo Chủ tịch HoREA, năm 2023 cũng là năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cùng các địa phương tập trung nỗ lực rất lớn để "giải cứu" thị trường bất động sản, tiếp xúc các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, khó khăn để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nhờ đó, thị trường bất động sản hiện nay tuy vẫn còn rất khó khăn nhưng đã đi qua "vùng đáy" và đang trong quá trình dần phục hồi và có thể phát triển vững vàng hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi.
Hàng trăm nghị quyết, nghị định được ban hành
Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng trăm Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, văn bản chỉ đạo điều hành, công điện, tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, Hiệp hội và các chuyên gia.
Năm 2023, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và Ngân hàng Nhà nước đã công bố Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay thông thường để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Càng ấn tượng hơn khi Thủ tướng Chính phủ ký Công điện 1436/CĐ-TTg ngày 29/12/2023 về "bảo đảm hoạt động thanh toán của hệ thống tín dụng" yêu cầu Ngân hàng Nhà nước "chỉ đạo tổ chức vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ và 7/7 ngày.
Mục tiêu là nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
"Đặc biệt, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước vẫn làm việc vào 2 ngày 30 và 31/12/2023, để các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu thanh toán hoặc thực hiện các hoạt động tín dụng và các địa phương có nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công có thêm 2 ngày làm việc cuối cùng của "năm kế toán", "năm kế hoạch" do đây là 2 ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật", ông Châu nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.