Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm: Cơ sở tập trung, hiện đại đẩy lùi điểm nhỏ lẻ

Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Thứ năm, ngày 18/07/2024 08:13 AM (GMT+7)
Việt Nam hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn so với các nước khu vực Đông Nam Á, với khoảng 13.750 trang trại chăn nuôi, trong đó trang trại quy mô lớn chiếm 5,8%, quy mô vừa chiếm 31,3%, còn lại là trang trại quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia súc gia cầm trên cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Bình luận 0

Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, hiện nay cả nước chỉ có 463 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung, gồm 21 CSGM trâu/bò; 246 CSGM lợn; 78 CSGM gia cầm; 10 CSGM dê, cừu và 108 CSGM hỗn hợp trên 2 loại động vật. Tuy nhiên số CSGM nhỏ lẻ trên địa bàn cả nước hiện rất cao, có tới 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ (1.486 CSGM trâu/bò; 17.616 CSGM lợn; 4.817 CSGM gia cầm; 93 CSGM dê/cừu và 642 CSGM hỗn hợp trên 2 loại động vật). 

Đáng nói là hầu hết các cơ sở này không đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình giết mổ, bảo quản thực phẩm, việc kiểm soát tại CSGM nhỏ lẻ này mới đạt khoảng 18,6 %, dẫn đến nguy cơ cao về dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Việc quy hoạch và quản lý trong hoạt động giết mổ hiện còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động giết mổ. Hệ thống pháp luật về giết mổ còn nhiều lỗ hổng, chưa theo kịp với thực tế, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe. Trong đó, việc quản lý hoạt động giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ tại các địa phương. 

Nguyên nhân chủ yếu là các CSGM nhỏ lẻ, tự phát này nằm ở khắp các ngõ xóm, hoạt động giết mổ thất thường, không ổn định (hôm làm, hôm không theo nhu cầu của người chăn nuôi hoặc theo nhu cầu của người kinh doanh). Ở nhiều địa phương do người hành nghề đi giết mổ cơ động (khi có người thuê), thì chủ nuôi chỉ cần đun nước sôi để thực hiện việc giết mổ ngay tại gia đình, sau khi giết mổ xong vận chuyển thẳng đến nơi bán.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm: Cơ sở tập trung, hiện đại đẩy lùi điểm nhỏ lẻ- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại một cơ sở giết mổ lợn và gia cầm trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Ngọc Sơn

Nâng cao nhận thức người tiêu dùng, người chăn nuôi trong hoạt động giết mổ, chế biến thông qua truyền thông, tập huấn cho người dân. Trong đó cần đẩy mạnh tập huấn, phổ biến pháp luật tại các cơ sở, các chủ hộ kinh doanh tại các siêu thị, chợ truyền thống. Phát huy mạnh hệ thống chính quyền và các tổ chức xã hội từ cơ sở (nông dân, phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố…) để cả hệ thống vào cuộc, ngăn chặn, hạn chế hoạt động giết mổ không đủ điều kiện.

Việc giết mổ gia súc gia súc gia cầm tại gia đình này thường về đêm hoặc sáng sớm, không cần trang thiết bị lớn, dụng cụ đơn giản (thưởng chỉ có dao mổ, xô, chậu...), có thể giết mổ ngay tại cửa chuồng, sân bể, khoảng đất rộng quanh khu vực chuồng nuôi, vậy nên ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi.

Hơn nữa chủ nuôi và người giết mổ không thực hiện việc khai báo với cơ quan chức năng nên việc kiểm soát của chính quyền địa phương và lực lượng chuyên môn rất khó khăn.

Một khó khăn hiện nay là lực lượng kiểm soát chuyên môn, hệ thống thú y không đáp ứng đủ nhu cầu; nhiều nơi cấp huyện không còn hệ thống thú y (theo Luật Thú y) là trạm thú y (hoặc trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện) mà là trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện nên việc quản lý nguồn nhân lực để thực hiện việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn rất khó khăn, nhiều bất cập. Lực lượng này cũng không đủ để kiểm soát hoạt động giết mổ nhỏ lẻ tại khu vực quản lý trên địa bàn dẫn đến nhiều vi phạm về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chuộng mua thực phẩm tại các CSGM nhỏ lẻ vì giá rẻ, tiện lợi. Nhiều người tiêu dùng vấn thích sử dụng thịt nóng (ngay sau giết mổ), dễ dãi với thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm soát của lực lượng chuyên môn. Chính sách hỗ trợ đầu tư cho các CSGM tập trung đã có nhưng chưa phù hợp, thủ tục rườm rà, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư đủ lớn...

Những hạn chế, bất cập trên dẫn đến những hệ lụy lớn như nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ động vật sang người rất cao do điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các CSGM nhỏ lẻ không đảm bảo. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do thịt động vật bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, dư lượng hóa chất độc hại, kéo theo những thiệt hại về kinh tế, chi phí điều trị dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến năng suất lao động, du lịch... 

Đặc biệt khi giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm thì uy tín ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khó xuất khẩu thịt sang các thị trường quốc tế.

Tăng giết mổ tập trung có kiểm soát

Trước mắt các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 theo quyết định của Thủ tưởng Chính phủ (Quyết định 1520 ngày 6/10/2020) trong đó có đề án "Phát triển công nghiệp giết mổ chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030". Quy hoạch lại mạng lưới CSGM, tập trung vào các CSGM tập trung, hiện đại. Có thể thí điểm cho hoạt động giết mổ gia cầm tại các trung tâm chợ lớn, khu đô thị nhưng đảm bảo có kiểm soát.

Về nguyên lý chung, khi tăng số CSGM tập trung sẽ giảm nhanh CSGM nhỏ lẻ. Thực tế để xây dựng CSGM tập trung là rất tốn kém, nhất là hệ thống xử lý môi trường và trang thiết bị, công nghệ tiến tiến đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, bất cập về chính sách đất đai, thuế, xây dựng vùng nguyên liệu nên rất cần có chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp dầu tư cho hoạt động này. 

Đặc biệt các doanh nghiệp hiện nay có xu thế xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi gắn với giết mổ, sơ chế, chế biến để nâng cao hiệu quả đầu tư, vì vậy cần có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp.

Đồng thời, cần giải quyết "khoảng trống" quản lý, cụ thể là phân cấp rõ trách nhiệm quản lý hoạt động giết mổ cho các cấp chính quyền địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ về giết mổ động vật, an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp huyện, cấp xã khi có sự biến động về tổ chức đối với hệ thống thú y cơ sở (trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện).

Cùng với đó, cần áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động giết mổ, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Cập nhật, chia sẻ thông tin về vận chuyển, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật (giống, động vật làm thương phẩm, sản phẩm động vật...) giữa các tỉnh, thành để nâng cao hiệu quả kiểm soát động vật, sản phẩm động vật.

Đặc biệt, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, đặc biệt là đối với các CSGM nhỏ lẻ. Xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, không để tiếp diễn tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, nhất là tại các thôn xóm, xã phường, thị trấn. Kiểm soát chặt sản phẩm đầu vào tại các siêu thị, chợ kinh doanh buôn bán sản phẩm động vật sẽ là động lực buộc người kinh doanh sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc tìm về các cơ sở giết mổ đủ điều kiện. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem