Một ngày Hà Nội tiêu thụ hơn 800 tấn thịt gia súc gia cầm nhưng chỉ 55% được kiểm dịch

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 02/07/2024 06:00 AM (GMT+7)
Một ngày Hà Nội tiêu 800 – 900 tấn thịt gia súc gia cầm, tuy nhiên lượng thịt hàng ngày từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát cộng thêm nguồn thịt nhập vào đã được kiểm dịch chỉ 500 tấn, chiếm 55 - 62%, còn lại là chưa được kiểm soát.
Bình luận 0

Thực tế này được ông Ngô Đình Loát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội cho biết tại Hội thảo “Những tồn tại, bất cập về chính sách phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp trong chăn nuôi ở Việt Nam”, vừa được tổ chức mới đây.

Hà Nội tiêu thụ 800- 900 tấn/ngày... nhưng chỉ 55% được kiểm dịch

Ông Loát cho biết, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, thuộc tốp đầu cả nước, đàn gia cầm 40,6 triệu con, đàn lợn 1,45 triệu con, đàn bò 127.000 con; đàn trâu 29.300 con; khoảng 6.381 trang trại chăn nuôi và 173.708 hộ chăn nuôi.

Hiện nay, Hà Nội đã hình thành các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn, với 162 xã chăn nuôi trọng điểm gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 39 xã chăn nuôi bò thịt, 48 xãchăn nuôi lợn, 60 xã chăn nuôi gia cầm.

Theo ông Loát, Hà Nội với dân số thường xuyên có mặt trên 10 triệu người, do vậy nhu cầu tiêu thụ các loại thịt có nguồn gốc từ động vật là rất lớn, khoảng 800 – 900 tấn/ngày, tuy nhiên lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát cộng thêm nguồn thịt nhập vào đã được kiểm dịch chỉ 500 tấn, chiếm khoảng 55,5-62,5% nhu cầu của thị trường, còn lại là chưa được kiểm soát do nhập từ ngoài và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát.

Một ngày Hà Nội tiêu thụ hơn 800 tấn thịt gia súc gia cầm nhưng chỉ 55% được kiểm dịch- Ảnh 1.

Lợn được giết mổ từ lò mổ tự phát không được che chắn, bảo quản đảm bảo vệ sinh ATTP được tiểu thương vận chuyển bằng xe máy đi tiêu thụ tại các chợ ở Hà Nội. Ảnh: Minh Ngọc

Thống kê tháng 5/2024, Hà Nội có tổng số 718 cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm. Trong đó, có 89 cơ sở có giết mổ trâu bò; 212 cơ sở có giết mổ lợn, 410 cơ sở có giết mổ gia cầm; 1 cơ sở vừa giết mổ lợn và gia cầm; 6 cơ sở giết mổ động vật khác (10 CSGM gia súc, gia cầm nằm trong quy hoạch của thành phố).

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi, Thuỷ sản và Thú y Hà Nội đang quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ đối với 132 CSGM động vật trên cạn đã được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, chiếm 18,38% số CSGM của Thành phố, về sản lượng kiểm soát được 400 tấn, chiếm 44,44-50% nhu cầu. Trong đó, số cơ sở được cấp mã số kiểm soát giết mổ là 72 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; số còn lại kiểm tra bằng vệ sinh thú y.

Theo ông Loát, nguyên nhân là do Hà Nội vẫn còn chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng chăn nuôi lớn. Bên cạnh các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi quy mô lớn thì vẫn còn số lượng lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân bố ở hầu hết 18 huyện, thị xã vì vậy tình trạng giết mổ nhỏ, lẻ vẫn còn nhiều.

Chính quyền tại một số huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng và ATTP tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; Việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác quản lý nguồn gốc, sản phẩm động vật tại các chợ, cơ sở buôn bán sản phẩm động vật còn lỏng lẻo, thiếu các biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP đã trực tiếp tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không được chính quyền địa phương cho phép.

Ông Loát cho rằng để xóa bỏ hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, Bộ Tài chính cần sửa đổi Thông tư 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 theo hướng tăng mức phí kiểm soát giết mổ đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.

Các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ sản phẩm đầu vào tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ kinh doanh sản phẩm động vật, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Giết mổ nhỏ lẻ chỉ 700 đồng/kg lợn nên doanh nghiệp không cạnh tranh nổi

Theo một số doanh nghiệp, do tồn tại quá nhiều các CSGM nhỏ lẻ nên không thể cạnh tranh về chi phí. Ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Giám đốc Nhà máy giết mổ lợn CP tại Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cho biết, nhà máy giết mổ lợn của công ty tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa mới hoạt động từ đầu năm 2024, được trang bị dây chuyền máy móc hiện đại trên diện tích 6ha, công suất giết mổ 2.000 con lợn/ngày. Tuy nhiên, đến nay nhà máy mới chỉ giết mổ vài trăm con lợn/ngày, quá thấp so với công suất thiết kế. Nguyên nhân là giết mổ nhỏ lẻ còn rất nhiều, nên các nhà máy giết mổ hiện đại rất khó cạnh tranh (chi phí giết mổ tại nhà máy 4.500 đồng/kg thịt lợn, còn giết mổ nhỏ lẻ chỉ khoảng 700 đồng/kg thịt lợn)…

Cùng chung khó khăn, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm nông sản Biển Đông (tỉnh Nam Định) Vũ Trọng Nghĩa cho hay, năm 2018, công ty xây dựng và khánh thành nhà máy giết mổ và chế biến thịt lợn Biển Đông tại tỉnh Nam Định, nhưng đến nay hoạt động rất khó khăn do giá thành sản phẩm sau giết mổ tại các nhà máy tiêu chuẩn cao hơn lò mổ thủ công.

Một ngày Hà Nội tiêu thụ hơn 800 tấn thịt gia súc gia cầm nhưng chỉ 55% được kiểm dịch- Ảnh 2.

Tại nhà máy MNS MEAT Hà Nam, công nhân sau khi giết mổ sẽ làm sạch bằng nhiệt để loại bỏ triệt để lông còn sót lại thân lợn. Ảnh: Hoàng Phan

Ông Nghĩa kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp với các địa phương có chính sách hỗ trợ hoạt động giết mổ công nghiệp; hướng dẫn nhà đầu tư về quy trình thủ tục, hồ sơ và thẩm định dự án, lựa chọn dây chuyền công nghệ giết mổ phù hợp thực tế địa phương. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, tiến tới xóa bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và đưa vào giết mổ tại các nhà máy đủ tiêu chuẩn…

Theo bà Hoàng Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Cục Thú y (Bộ NNPTNT), do chi phí sản xuất cao, giá thành sản phẩm tại nhà máy giết mổ công nghiệp cao hơn 30% so với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện thú y. Nhiều địa phương vẫn tồn tại cơ sở giết mổ tập trung và nhỏ lẻ dẫn tới khó cạnh tranh và hoạt động không hết công suất. Một số nơi bố trí địa điểm xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp chưa phù hợp phân bố dân cư nên việc vận chuyển thực phẩm từ khu quy hoạch đến nơi tiêu thụ còn xa, dẫn tới các hộ kinh doanh e ngại... Đặc biệt, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa quen sử dụng thịt cấp đông, thịt mát…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, mới có 345 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Cả nước vẫn còn 24.654 cơ sở giết mổ, nhỏ lẻ. Điều đáng nói là cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Trong khi đó, số cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngừng hoạt động hoặc cầm chừng.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem