Năm 2024, xuất khẩu thủy sản tăng tốc, chuyên gia VASEP dự báo thị trường trong năm 2025 còn đột phá hơn

Trần Quang Thứ sáu, ngày 20/12/2024 06:19 AM (GMT+7)
Để hiểu rõ thêm về các kết quả của xuất khẩu thủy sản năm 2024 và định hướng thị trường trong năm 2025, PV Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0
Năm 2024, xuất khẩu thủy sản bứt phá ngoạn mục, VASEP dự báo thị trường trong năm 2025 có đột phá - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khẳng định: Năm 2024 đang chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Chương

2 điểm nhấn của xuất khẩu thủy sản

Năm 2024 được đánh giá là một năm có sự bứt phá ngoạn mục của ngành thủy sản, sau năm 2023 khá trầm lắng. Vậy theo ông đâu là động lực để các doanh nghiệp ngành thủy sản đạt được con số tăng trưởng này, ngành hàng nào có sự bứt phá ngoạn mục nhất?

- Năm 2024 chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đang tiến sát tới mốc 10 tỷ USD, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển xuất khẩu của ngành này.

Sau khi đạt mức đỉnh 1 tỷ USD trong tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản tháng 11/2024 tuy chững lại nhẹ nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng, với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến cuối tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.

Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11, và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm.

Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ, mặc dù tăng trưởng chậm lại, vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023, và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022. Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó nhuyễn thể có vỏ có mức tăng trưởng ấn tượng tới 180%.

Không chỉ có các sản phẩm chủ lực, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn phát triển mạnh các sản phẩm phụ như bột cá. Xuất khẩu bột cá đạt 220,4 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, và dự báo cả năm sẽ đạt 264,6 triệu USD, với thị trường Trung Quốc chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu bột cá.

Về thị trường, Trung Quốc - Hồng Kông đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Hoa Kỳ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Hoa Kỳ có thể áp dụng các mức thuế mới. Mặc dù thị trường Nhật Bản, EU và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11/2024, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Năm 2024, xuất khẩu thủy sản đến từ 2 điểm nhấn, đó là sản phẩm từ nuôi trồng và sản phẩm khai thác. Ngay từ đầu năm 2024 các doanh nghiệp và địa phương đã tập trung mở cửa thị trường, trong đó VASEP phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương để mở thị trường trọng điểm như: Mỹ, châu Âu… điều này đã tác động đáng kể đến các thị phần xuất khẩu, từ đó đạt được giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD.

Hiện nay, các thị trường xuất khẩu liên tục có những thay đổi về quy định an toàn thực phẩm. Đối với các doanh nghiệp thủy sản, việc đáp ứng các thay đổi của từng thị trường được đáp ứng ra sao?

- Khi các thị trường hàm ý có sự thay đổi, hầu hết đều có sự tác động tới sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản chúng ta, nhất là với các doanh nghiệp.

Theo quan sát của chúng tôi, sau 20 năm ngành thuỷ sản hội nhập thì sự thay đổi đáng kể nhất là các lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, sau đó là trách nhiệm với môi trường, xã hội. Để xuất khẩu các lô hàng thuỷ sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc chúng ta phải tuân thủ thì bây giờ cần có thêm các chứng nhận bền vững, mà các yêu cầu này là của hầu hết người mua hàng, giới bán lẻ. Ví dụ người mua hàng châu Âu yêu cầu phải có chứng nhận ASC…

Về phía nhà xuất khẩu, chúng ta phải có sự chuẩn bị cho các thay đổi đó. Hiện nay, châu Âu, Mỹ, Nhật là các thị trường có doanh số đứng top 3 trong xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam và các thị trường này đều có các yêu cầu về quản lý tài nguyên, yêu cầu phải chứng nhận thuỷ sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm.

Đến nay, cùng với hệ thống của ngành nông nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam, Hiệp hội VASEP đã có sự chuẩn bị cho các yêu cầu đó. Các chuỗi cung ứng phải có trách nhiệm tự chuẩn bị, mà liên quan nhiều nhất là yêu cầu phát triển bền vững ESG, vì vậy các doanh nghiệp phải tự nhận thức được vấn đề này và phải thay đổi để thích ứng.

Đối với lĩnh vực thuỷ sản, chúng tôi nhận thấy số lượng hồ sơ đi kèm với lô hàng ngày càng nhiều hơn, từ các giấy tờ chứng minh an toàn thực phẩm, cho tới các chứng chỉ về ESG, môi trường, xã hội…

Tôi cho rằng, trong tương lai những ngành kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là gắn với sức khoẻ con người sẽ luôn phải đương đầu với những yêu cầu khắt khe đó. Song nếu có sự chuẩn bị thì tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ đáp ứng tốt.

Năm 2024, xuất khẩu thủy sản bứt phá ngoạn mục, VASEP dự báo thị trường trong năm 2025 có đột phá - Ảnh 2.

Công nhân làm hàng tôm xuất khẩu tại Công ty CP Sao Ta. Ảnh: VASEP

Năm 2025, dự báo tăng trưởng 15%

Ông có dự báo gì về thị trường năm 2025 của ngành thủy sản?

-Ngày 23/12 tới, chúng tôi sẽ tổ chức lễ tổng kết mốc sự kiện xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD. Qua sự kiện này chúng tôi sẽ đúc kết kinh nghiệm để định hướng xuất khẩu cho năm 2025.Vừa qua Mỹ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh với Việt Nam, chúng tôi đang chờ thêm kết quả của DOC, các nước khác như Ấn Độ, Ecuador... cũng đang như chúng ta.

Chính bởi cạnh tranh toàn cầu sẽ là cơ hội để chúng ta thay đổi và thực hiện các quy định tốt để xuất khẩu tốt hơn. Việt Nam hiện có 8 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ, cá Việt sang bên đó bị kiểm soát chống bán phá giá nên giá cao hơn nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi để hoàn thiện mình hơn.

Đó là động lực để chúng ta thay đổi nhận thức và thực hiện các quy định mới của các thị trường để xuất khẩu thuận lợi. Từ năm 2023 đến nay các ngân hàng có ba gói tín dụng cho thủy sản, giờ đang thực hiện 60.000 tỷ đồng cho các đơn vị vay ưu đãi... Đây là chính sách, cơ hội cho doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong năm tới.

Năm nay chúng ta tăng trưởng 13%, từ các cơ hội mà chúng ta đang có, năm tới chúng tôi dự báo và cố gắng duy trì mức tăng trưởng được 10-15% tương ứng với mức tăng đạt khoảng trên 10 tỷ USD.

Ông có khuyến cáo gì thêm đối với các doanh nghiệp, người nuôi thủy sản trong năm 2025?

-Chúng tôi muốn truyền thông điệp đến các đơn vị xuất khẩu thủy sản trong năm 2025 rằng: Chúng tôi tin các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn và đồng hành với địa phương, nhà nước sẽ mở cửa thị trường, cùng nhau tháo rào cản trong xuất khẩu... để đạt hiệu quả xuất khẩu cao hơn.

Qua đó giúp đưa tiếng nói, mong muốn của mình, của các doanh nghiệp đến với các bên liên quan.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem