Đa dạng sắc màu sân khấu kịch Sài Gòn mùa Tết

Ngọc Linh Thứ ba, ngày 23/01/2024 06:45 AM (GMT+7)
Hàng chục vở diễn mới phục vụ khán giả Sài Gòn mùa Tết Giáp Thìn được kỳ vọng tạo sự khởi sắc cho ngành sân khấu năm 2024.
Bình luận 0

Kịch thiếu nhi đa dạng dịp Tết

Kịch cho thiếu nhi luôn được xem là món ăn tinh thần quan trọng trong dịp lễ tết tại TP.HCM. Năm nay, có hàng loạt vở mới phục vụ khán giả nhỏ tuổi. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần giới thiệu loạt 3 vở: Thế giới đồ chơi - Câu chuyện chú bé Rồng, Đại náo long cung, Bộ lạc nanh trắng.

Vở Thế giới đồ chơi - Câu chuyện chú bé Rồng với câu chuyện bé Mai bị cuốn vào Thế giới đồ chơi. Ở đây, cô bé nghe và hiểu được tâm tư, tình cảm, cảm xúc của các con vật và những món đồ chơi, đối với cách hành xử của cô bé. Sự tham gia biểu diễn của NSƯT Mỹ Uyên, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, diễn viên Tuyền Mập, Nguyễn Hồng Đào, Minh Thảo... mang đến những tình tiết hấp dẫn trong thế giới đồ chơi của trẻ.

Đại náo long cung là vở kịch ca nhạc mang màu sắc cổ tích nhằm phục vụ cho cả thiếu nhi lẫn người lớn. Tác phẩm được xây dựng các tình huống với thông điệp ý nghĩa. Cùng với các nhân vật trên sân khấu, khán giả sẽ bước vào thế giới sâu thẳm, bí mật của đại dương. Long Cung hiện lên một cách huyền ảo nhưng cũng đầy chân thật, gần gũi. Tại đây, các loài sinh vật biển vui vẻ dành cho nhau những lời chúc ngày xuân.

Đa dạng sắc màu sân khấu kịch Sài Gòn mùa Tết- Ảnh 1.

Vở kịch Thế giới đồ chơi - Câu chuyện chú bé Rồng. Ảnh: SK 5B.

"Thời gian qua, nhà hát đã cố gắng xây dựng nhiều kịch mục đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật kịch nói cho khán giả nhí. Trong 3 năm qua, nhà hát đã ra mắt 4 vở kịch thiếu nhi, trở thành điểm đến giải trí cuối tuần thú vị của đông đảo khán giả nhỏ tuổi và phụ huynh. Sự ủng hộ của phụ huynh và các em thiếu nhi chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn để tôi tiếp tục tìm kiếm các kịch bản hay, đầu tư dàn dựng, ra mắt thêm nhiều tác phẩm sân khấu thiếu nhi mới", NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần chia sẻ.

Trong khi đó, Nhà hát Idecaf giới thiệu vở Cuộc phiêu lưu của Cậu bé búp bê (tác giả: Mai Khắc Thảo, đạo diễn: Vũ Đình Toàn, giám đốc sản xuất: Huỳnh Anh Tuấn). Với hành trình của Cậu bé búp bê giữa thiên nhiên, muông thú và các đồ vật được các diễn viên gạo cội hoá thân tạo nên những tiếng cười vui vẻ từ các câu chuyện dí dỏm phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Bên cạnh đó, sân khấu cũng được thiết kế hoành tráng kết hợp âm thanh ánh sáng lung linh làm vở kịch càng thêm sinh động.

Vở kịch nằm trong chương trình Chuyện thần tiên số 5, là một trong những kịch mục phục vụ khán giả nhỏ tuổi đã thực hiện cách nay hơn 10 năm, hoạt động song song với chương trình Ngày xửa ngày xưa. Tuy nhiên, vì nhiều khó khăn, không có điểm diễn cố định để diễn thường xuyên vào những ngày cuối tuần nên chương trình ngưng hoạt động lâu nay.

Đa dạng sắc màu sân khấu kịch Sài Gòn mùa Tết- Ảnh 2.

Vở Cuộc phiêu lưu của Cậu bé búp bê. Ảnh: Idecaf.

Không chỉ giới hạn trong kịch nói, các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác cũng tập trung hướng vào đối tượng khán giả này, nổi bật nhất có thể kể đến là xiếc và múa rối. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã tập trung đầu tư dàn dựng các vở, chương trình mới. Từ mùng 1 đến mùng 8 Tết, tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sẽ diễn vở múa rối nước Trước ngọn sóng, dự kiến khoảng 24 suất. Tại rạp xiếc Gia Định, từ mùng 1 đến mùng 8 Tết, đơn vị sẽ phối hợp với Đoàn xiếc thú Hồng Lộc biểu diễn chương trình xiếc thú Nông trại vui vẻ.

Kịch lịch sử kỳ vọng tạo điểm nhấn

Trong dịp Tết năm nay, khán giả sẽ được sống trong không gian lịch sử với vở nhạc kịch sử ca Tình sử Thăng Long do NSND Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long hợp tác thực hiện. Vở diễn này sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Bến Thành vào mùng 6, mùng 7. Vở kịch của Hồng Vân và Kim Tử Long hứa hẹn sẽ nhiều điều hấp dẫn. Họ từng dàn dựng thành công nhiều vở có đề tài lịch sử như: Nỏ thần, Rạng ngọc Côn Sơn, Má hồng soi kiếm bạc... 

Tình sử Thăng Long được kỳ vọng tạo sự khác biệt trong làng sân khấu dịp xuân về, vốn thường chú trọng thể loại kịch tâm lý xã hội. Bên cạnh đó các gương mặt như Hoàng Sơn, Trinh Trinh, Bình Tinh, Minh Luân, Thanh Duy, Xuân Nghị, Hiếu Hiền, Gia Bảo… sẽ tạo thêm nhiều điều hấp dẫn cho khán giả. Là sự tiếp lửa của những tên tuổi gạo cội để thế hệ trẻ tiếp nối kể lại những câu chuyện lịch sử bằng phong cách của chính những người trẻ, đầy sáng tạo nhưng cũng không kém phần hùng tráng.

Đa dạng sắc màu sân khấu kịch Sài Gòn mùa Tết- Ảnh 3.

Vở nhạc kịch sử ca Tình sử Thăng Long do NSND Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long hợp tác thực hiện. Ảnh SK HV.

Vở nhạc kịch được phóng tác từ kịch thơ "Công chúa Ngọc Hân" của cố soạn giả Lưu Quang Vũ vẽ nên câu chuyện tình đầy chất thơ của vị anh hùng Nguyễn Huệ và nàng công chúa tài hoa Lê Ngọc Hân, giữa những mưu toan đen tối, những rối ren thời cuộc và những trận chiến tranh đoạt quyền bính, thay triều đổi đại. Với tạo hình dã sử, âm nhạc được đặt sáng tác riêng cho vở diễn. Cùng với đó, các trang phục cổ trang cũng được đầu tư mới.

Cũng trong dịp này, tại điểm diễn của sân khấu Hồng Vân ở Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM sẽ có 2 vở Ai kế tiếpHậu cung ngoại truyện, cũng là những món ăn tinh thần cho người yêu sân khấu kịch.

Ngày tết đến với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, khán giả sẽ được thưởng thức các vở: Công chúa Đồ Lư của Sân khấu Khánh Tâm. Đây là tác phẩm khiến nhiều người yêu cải lương thuộc lòng. Nhưng Tết này sẽ được dàn dựng mới với nhiều đổi mới tạo nên những điểm nhấn khác biệt.

Tại rạp Hồng Liên, quận 6, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long sáng đèn vở Tứ trạng khai xuân vào mùng 8 Tết. Đây là tác phẩm từng gắn bó với tên tuổi cố nghệ sĩ Vũ Linh. Đoàn Huỳnh Long mong muốn tưởng nhớ "Ông hoàng tuồng cổ" đồng thời tạo nên những nét tươi mới cho khán giả mê tuồng cổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem