Sản phẩm OCOP Nam Định xuất ngoại (bài cuối): Nâng chất lượng phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu

Mai Chiến Thứ ba, ngày 20/06/2023 06:20 AM (GMT+7)
Nhiều năm qua, tỉnh Nam Định đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 329 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 - 4 sao; trong đó có 1 số sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế, kể cả thị trường khó tính...
Bình luận 0
Sản phẩm OCOP Nam Định xuất ngoại (bài cuối): Nâng chất lượng phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu - Ảnh 1.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Năm 2019, tỉnh Nam Định bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Những năm đầu triển khai, thực hiện Chương trình, tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất.

Trong điều kiện đó, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Nam Định, Chương trình OCOP đã tích cực triển khai, thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Sản phẩm OCOP Nam Định "xuất ngoại": Nâng tầm chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu (Bài cuối) - Ảnh 1.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định chia sẻ, tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh rất tích cực chỉ đạo, rà soát các cơ sở sản xuất (doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất…) để cho các cơ sở nắm bắt được chương trình OCOP.

Nhờ vậy, tỉnh Nam Định đã tham gia Chương trình một cách quyết liệt; cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở cùng vào cuộc để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Do đó, Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá cao và xếp vào tốp 10 tỉnh tiêu biểu trong triển khai chương trình OCOP.

Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, gồm 47 sản phẩm 4 sao và 282 sản phẩm 3 sao. Trong đó, có 2 sản phẩm Nghêu thịt hộp Lenger (Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam) và gạo sạch chất lượng cao 888 (Công ty TNHH Toản Xuân) đang trình Bộ NNPTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao.

Trong 329 sản phẩm OCOP có 307 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm (93,31%), 14 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (4,26%), 4 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ (1,22%), 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn (0,91%) và 3 sản phẩm thuộc ngành vải, may mặc (0,3%).

Tổng số có 182 cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP. Cụ thể, doanh nghiệp 54 cơ sở (chiếm 29,67%), hợp tác xã 44 cơ sở (chiếm 24,18%), hộ kinh doanh 84 cơ sở (chiếm 46,15%).

Sản phẩm OCOP Nam Định "xuất ngoại": Nâng tầm chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu (Bài cuối) - Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP Nam Định có mặt tại 1 sự kiện bên Nhật Bản. Ảnh: Sở NNPTNT Nam Định cung cấp.

"Chất lượng các sản phẩm OCOP năm 2022 được đánh giá tốt, hình thức bao bì sản phẩm đẹp, đảm bảo quy định, đặc trưng cho từng vùng miền. Tiêu biểu như sản phẩm chế biến từ ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, gạo sạch Quỳnh Thanh của Công ty TNHH Thanh Đoàn, Vải tơ tằm thủ công truyền thống Chất Silk của Hợp tác xã lụa Cổ Chất…", ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định chia sẻ.

Gần 5 năm qua, tỉnh Nam Định phát triển sản phẩm OCOP không chạy theo số lượng, mà tập trung vào chất lượng. Bởi thế, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 1 số sản phẩm OCOP xuất ngoại như: Muối xuất khẩu Nhật Bản NADISALT (Công ty Cổ phần Muối và thương mại Nam Định); nghêu Lenger (Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam); kẹo sìu châu (Công ty Kim Thành Hoa); tép moi (Công ty hải sản Hùng Vương) và gạo sạch Toản Xuân (Công ty Toản Xuân).

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho biết, tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương trên địa bàn tỉnh còn rất lớn.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để các địa phương hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm cao hơn nữa. Đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Sản phẩm OCOP Nam Định "xuất ngoại": Nâng tầm chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu (Bài cuối) - Ảnh 3.

Chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Nam Định đẩy mạnh bán sản phẩm trên nền tảng số. Ảnh tư liệu.

Ông Nguyễn Văn Hữu cho hay, bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được Nam Định chú trọng thực hiện là tăng cường chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương... Tổ chức tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở NNPTNT Nam Định đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, shopee… Đến nay đã có trên 150 sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm OCOP Nam Định "xuất ngoại": Nâng tầm chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu (Bài cuối) - Ảnh 4.

Những năm qua, tỉnh Nam Định khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Ảnh: Mai Chiến.

Theo ông Hữu, để góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, năm 2022, Văn phòng đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển dịch vụ công nghệ Lâm Hải tổ chức ngày hội Livestream với chủ đề "Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP".

Đặc biệt, đầu năm 2023, nhân dịp chào đón Xuân Quý Mão 2023, Sở NNPTNT đã phối hợp với Sở VH, TT& DL tổ chức, quảng bá các sản phẩm OCOP tại các tua tuyến, các điểm du lịch của tỉnh và phiên chợ Tết "Một thoáng Thành Nam". Nhờ đó, các sản phẩm OCOP được tới tay người tiêu dùng.

"Chương trình OCOP đã bắt kịp với các hình thức quảng bá mới, hiện đại, cho thấy hướng đi đổi mới và phù hợp với chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Thông qua việc áp dụng công nghệ, các Hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân", ông Hữu bộc bạch.

Ông Hữu cho hay, năm 2023, ngành nông nghiệp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Phấn đấu năm 2023 toàn tỉnh có ít nhất 50 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Hữu cho rằng, doanh nghiệp, chủ thể OCOP cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP.  Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng, thiết lập mã Qrcode, đăng ký sở hữu trí tuệ, hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì và tem nhãn hàng hóa đúng quy định. Thực hiện quản lý giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP", ông Hữu nhấn mạnh.

Sản phẩm OCOP Nam Định xuất ngoại (bài cuối): Nâng chất lượng phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu - Ảnh 6.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem