Nam Định phấn đấu thành tỉnh NTM đầu tiên của cả nước

Hải Đăng Thứ ba, ngày 19/06/2018 06:03 AM (GMT+7)
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã có 200/209 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM (96%), có 6 huyện (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy và Mỹ Lộc) và TP.Nam Định có 100% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập người dân khu vực nông thôn đạt gần 50 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với năm 2010.
Bình luận 0

Phát huy sự chủ động trong xây dựng NTM

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có 5/10 huyện đạt chuẩn NTM. Mặc dù không phải là địa phương có nguồn thu ngân sách lớn, nhưng Nam Định không trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước. Cùng với nguồn lực xã hội hóa, các cấp, các ngành đã tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện tốt hơn điều kiện sống và làm việc của người dân, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt.

img

Nghề nuôi tôm đang mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Giao Thủy (Nam Định).  Ảnh: Hải Đăng

Giai đoạn 2011-2017, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của tỉnh đạt 16.500 tỷ đồng, trong đó vốn từ cộng đồng dân cư chiếm 17,6%. Các hộ nông dân đã góp gần 3.000ha đất nông nghiệp, (trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng) và 206ha đất thổ cư (trị giá hơn 1.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi.

"Ở Nam Định, không có công thức chung trong xây dựng NTM. Mỗi địa phương phải chủ động sáng tạo để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của mình để tiến về đích. Trong phát triển kinh tế nông thôn, đã có nhiều mô hình tạo điểm nhấn đáng chú ý. Ví như ở huyện Nghĩa Hưng, có mô hình nuôi cá bống bớp với diện tích 370ha; phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú với diện tích 27,5ha..."- ông Nghị chia sẻ.

Điển hình thêm nữa như tại huyện Trực Ninh, huyện này đã xây dựng 23 mô hình cánh đồng lớn, với quy mô mỗi cánh đồng từ 30-50ha sản xuất giống lúa, lúa chất lượng cao; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Cường Tân, với quy mô 350ha; cá mú 480ha;  sản xuất rau, củ quả sạch của Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Ông Sái Hồng Thanh – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng chia sẻ: Qua phong trào xây dựng NTM, ý thức vì cộng đồng của người dân được nâng cao rõ rệt. Nghĩa Hưng là huyện đi đầu trong vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất thổ để xây dựng các công trình phúc lợi... Nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến, góp 266 ha đất để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, xây dựng kênh mương, các công trình phúc lợi.

Ông Đoàn Hồng Phong - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết,  trong quá trình triển khai, Nam Định vẫn xác định cốt lõi của NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Mà một trong những rào cản lớn nhất với sản xuất nông nghiệp bao nhiêu năm qua vẫn mắc ở chính sách đất đai. Dó đó, ông Phong đề nghị Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ có chính sách sửa chính sách đất đai linh hoạt, phù hợp và cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 

Phấn đấu trở thành tỉnh NTM đầu tiên

Phát biểu tại lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy đạt chuẩn NTM được tổ chức tại tỉnh Nam Định ngày 21.4 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: “Nam Định là một trong những địa phương có thành tích cao nhất cả nước trong xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn”. Phó Thủ tướng  tin tưởng tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và trở thành tỉnh NTM đầu tiên của cả nước.

Hiện nay khi hầu hết số xã trong toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng xã NTM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh xây dựng NTM sẽ vẫn còn tiếp diễn, không điểm có kết thúc, tập trung vào 5 trụ cột là: Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội - dân sinh, phát triển sản xuất - kinh tế, bảo đảm môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - tình làng nghĩa xóm và hệ thống chính trị chính quyền vững mạnh, trong sạch để hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Nam Định cần xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại gắn với ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức liên doanh liên kết chuỗi sản phẩm trong vùng, xây dựng Nam Định trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa dịch vụ nông sản. Ngoài ra, Nam Định cần tạo điều kiện, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập hơn nữa cho người dân và phấn đấu đến năm 2019, Nam Định sẽ là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn tỉnh NTM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem