Nậm Giôn nuôi toàn cá ngon trên hồ sông Đà mà dần khấm khá

PV Tây Bắc Thứ tư, ngày 26/06/2019 13:47 PM (GMT+7)
Nhằm tìm hướng thoát nghèo, nâng cao đời sống, với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền. Thời gian qua người dân xã Nậm Giôn (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã từng bước chuyển đổi từ canh tác nương rẫy sang nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở cơ sở.
Bình luận 0

Nghề mới

Nậm Giôn vốn được biết đến là xã nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, với 66% dân số là hộ nghèo. Lý giải nguyên nhân dẫn đến cái nghèo có nhiều lý do khác nhau, kết cấu hạ tầng, giao thông đi lại, điều kiện sản xuất khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, một số người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ từ chính sách Nhà nước, tâm lý không muốn thoát nghèo còn ăn sâu trong cộng đồng dân cư.

Để giải bài toán tìm hướng thoát nghèo, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Giôn đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là tận dụng tiềm năng thế mạnh mặt nước trên vùng lòng hồ sông Đà phát triển nghề nuôi cá lồng, khuyến khích các gia đình mạnh dạn tham gia, mở ra hướng đi mới trong phát triển KT-XH tại địa phương.

img

Nghề nuôi cá lồng đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã nghèo Nậm Giôn.

Anh Quàng Văn Hùng, là người đầu tiền thành công với mô hình nuôi cá lồng. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, trước đây, kinh tế gia đình anh chủ yếu canh tác nương rẫy trồng ngô, sắn trên đồi dốc và chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả không cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn triền miên. Ý chí vươn lên thay đổi cuộc sống ngay tại quê hương luôn thôi thúc anh tìm tòi, đổi mới cách làm.

Sau những lần tham gia các lớp tập huấn sản xuất tại địa phương và đi thăm mô hình nuôi cá lồng ở một số nơi do Hội Nông dân xã tổ chức. Năm 2017, anh bỏ ra số vốn hơn 100 triệu đồng đầu tư làm 14 lồng nuôi cá và mua giống, cách làm này đã mang lại hiệu quả nhanh chóng. Sau một thời gian nuôi, cá lồng phát triển tốt, lớn nhanh, bán được giá.

Tiếp đó, anh mở rộng thêm 5 lồng nữa nâng tổng số lồng lên 19 chiếc, nuôi các loại cá như: Cá nheo, cá lăng, cá trắm, chép, rô phi… Đến nay, ước tính mỗi lồng cá cho thu gần chục triệu đồng mỗi năm. Con số thu nhập mà trước đây anh và gia đình chưa từng nghĩ tới.

Cũng như anh Hùng, 14 lồng cá của anh Lò Văn Sát mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng, anh Sát phấn khởi: Canh tác nương rẫy không hiệu quả nên gia đình tôi chuyển sang nuôi cá lồng. Cá lồng nuôi ở đây rất phù hợp vì có nguồn nước sạch, ít dịch bệnh, cá lớn nhanh. Hơn nữa, nguồn thức ăn có sẵn hoàn toàn lấy ngoài tự nhiên như: Lá chuối, cỏ voi, sắn, ngô, cá tép sông...

Đối với cá trắm, chép, rô phi thức ăn chủ yếu là lá cỏ voi, củ sắn, cây chuối băm nhỏ; còn cá lăng, cá nheo cho ăn cá tép sông đánh bắt dưới lòng sông. Từ khi chuyển hướng sang nuôi cá lồng, thu nhập của gia đình nâng lên đáng kể. Trước trồng ngô, sắn, mỗi năm chỉ lãi vài triệu đồng có khi bị lỗ, không bù được chi phí bỏ ra, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nuôi cá lồng năm nào ổn định thì trung bình mỗi năm cũng lãi vài chục triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

img

Mặt nước rộng, nguồn nước sạch đang là lợi thế để nghề nuôi cá lồng ở Nậm Giôn phát triển.

Nhờ lợi thế mặt nước rộng, nguồn nước sạch, nghề nuôi cá lồng ở Nậm Giôn đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt là việc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên để nuôi cá đã giúp các hộ hạn chế được chi phí, ngược lại sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiệu quả bước đầu

Bà Quàng Thị Biệt, Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn, cho biết: Với lợi thế mặt nước rộng, nguồn nước sạch và thức ăn có sẵn, xã đã tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi sản xuất, từ canh tác nương rẫy sang phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà.

Đồng thời, xã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá, giúp người dân nâng cao kỹ thuật nuôi. Đến nay, số lượng lồng nuôi trên địa bàn xã tăng lên 96 lồng và đang tiếp tục mở rộng, với các loại cá nuôi như: Cá lăng, cá nheo, trắm, chép, rô phi… Nuôi cá lồng đã giúp nhiều hộ gia đình tăng thu nhập, cuộc sống khá lên. 

img

Nghề nuôi cá lồng bước đầu đã mạng lại thu nhập khá cho một số hộ dân.

Nghề nuôi cá lồng bắt đầu xuất hiện ở xã Nậm Giôn từ năm 2017, việc nuôi cá lồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác nương rẫy, do vậy nhiều hộ dân đang chuyển hướng sản xuất. Trong quá trình nuôi cá, để giảm chi phí đầu tư, các hộ dân đã tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, kết hợp trồng cỏ voi, cây chuối, sắn làm thức ăn cho cá. Hiện nay, một số hộ gia đình đã liên kết với nhau thành lập hợp tác xã nuôi thủy sản để sản xuất tập trung, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cách làm cùng nhau phát triển.

img

Hiện nghề nuôi cá lồng ở Nậm Giôn đang tiếp tục được nhân rộng.

Với giá bán trung bình từ 70.000 đồng - 100.000 đồng/kg tùy từng loại cá, đã góp phần đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Có thể nói rằng, nghề nuôi cá lồng ở Nậm Giôn đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem