Một ngày đầu năm 2005, Nguyễn Văn Vạn bị thi hành án tử hình về tội “giết người” tại trường bắn Long Bình (Q.9). Một năm sau, xác võ sư nổi tiếng được quật mồ “cứu” khỏi trường bắn mang xuống Nghĩa trang Gò Dưa (Q.Thủ Đức) an táng. Tình cờ, thi thể ông đi cùng đợt với Châu Phát Lai Em, một nhân vật khét tiếng trong đường dây Năm Cam. Đó là hai ngôi mộ vào loại “nổi bật” nhất nghĩa trang này.
Cuộc “thoát xác” trường bắn
Nghĩa trang Gò Dưa, nơi an nghỉ của ông Vạn.
Nghĩa trang Gò Dưa tọa lạc trên khu vực rộng lớn, chi chít mộ không hàng lối. Mộ của võ sư Nguyễn Văn Vạn nằm bên đường, khuất sau những ngôi nhà dân san sát nhau. “Tìm mộ võ sư Vạn không khó. Đó là một trong hai ngôi mộ nổi tiếng nhất nghĩa trang này” - ông Phạm Văn Bảy - Trưởng ban quản lý Nghĩa trang Gò Dưa nói. Nghĩa trang Gò Dưa gồm hai phần, một bên là đất nhà nước rộng lớn nhưng hết chỗ từ lâu. Một bên là đất tư nhân cho thuê an táng. Mộ của Châu Phát Lai Em nằm ở phần đất “quốc doanh”, còn võ sư Vạn nằm ở phía đối diện.
Ông Bảy cho biết, dân xung quanh nghĩa trang không ai không biết đến hai ngôi mộ này. Không những vì khi còn sống, họ đều là những người có tiếng tăm. Đến khi chết, cả hai đều được “cứu” từ trường bắn Long Bình mang về đây an táng. “Hồi đó tử tù được trộm xác mang về đây là chuyện động trời. Dân tình đổ về chật kín”- ông Bảy kể lại. So với “đại ca” giang hồ Châu Phát Lai Em, việc an táng võ sư Vạn lặng lẽ và dễ dàng hơn nhiều.
Ông kể, Châu Phát Lai Em được chôn cất trong phạm vi nghĩa trang nhà nước quản lý nên vấp phải sự cấm đoán, ngăn cản quyết liệt, phải mất cả đêm trắng ròng rã mới xong việc. Võ sư Vạn, không biết vì lý do gì, cũng được “cứu” ra khỏi pháp trường cùng đợt với Lai Em. Ông còn nhớ rõ, giữa đêm hàng chục người khăn áo khói nhang đưa quan tài võ sư đến phần đất nghĩa trang tư nhân này. Mặc dù không gặp phải sự cấm cản nào nhưng việc mai táng cũng diễn ra âm thầm lặng lẽ để tránh bị nhòm ngó. “Hồi đó dân và chính quyền đều biết nhưng lờ đi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Đã về đất rồi là hết, ngăn cản người ta làm gì. Sau này người ta biết có nhiều cuộc đào trộm xác tử tù ra khỏi trường bắn cũng không truy cứu”- ông hồi tưởng.
Ông Trưởng ban quản lý nghĩa trang đích thân dẫn chúng tôi đến nhà ông Ba Vàng, chủ đất nơi võ sư Vạn an nghỉ. Ông Ba Vàng ngoài 80 tuổi, liêu xiêu nhưng hãy còn minh mẫn lắm. Chuyện về võ sư Vạn, ông còn nhớ rõ tường tận. “Lúc trước nghe “ổng” bị bắt rồi tử hình vì tội giết người. Tui không tin nổi, còn tưởng là người ta lầm lẫn gì đó. Lúc ổng được đưa về đây mới tin là thật” - ông Ba hồi tưởng. Nhiều lần gặp gỡ và trò chuyện với võ sư Nguyễn Văn Vạn, ông nhớ mãi người võ sư cao lớn, gương mặt góc cạnh và rất hiền từ. Ông cho biết, nhìn vẻ ngoài, vị võ sư rất điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ và rất thương người. Mỗi lần về thăm người thân trong nghĩa trang, ông Vạn thường nán lại rất lâu trò chuyện với những người thăm mộ.
Ông Ba kể thêm: Phần đất mà vị võ sư đặt mua rất rộng, đủ để an táng cả gia tộc. Mồ mả của cha mẹ ông cũng nằm trong nghĩa trang, thoáng đãng và tươm tất. “Có lần nói chuyện, tự dưng ổng nói về chỗ mình nằm sau này. Tui nghe cũng cười qua chuyện. Ai ngờ ổng đi sớm như vậy” - ông Ba Vàng xúc động kể. Thường người chết thuê đất an táng chỉ tìm đến những hộ như ông khi có người thân lâm trọng bệnh sắp qua đời. Riêng vị võ sư mua hẳn phần đất rộng và dành luôn chỗ trống cho mình, như dự cảm trước chuyện chẳng lành.
Hồi kết buồn của võ sư lừng lẫy
Nhắc đến võ sư Nguyễn Văn Vạn, cả ông chủ đất lẫn Trưởng ban quản lý nghĩa trang đều lắc đầu tiếc rẻ. Từng là HLV trưởng đội tuyển Taekwondo Việt Nam, ngoài đời ông có nhiều đệ tử, giới võ thuật Sài Gòn và cả người ngoài cuộc đều từng nghe đến danh tiếng. Cách mà võ sư Vạn vướng vào tội lỗi, khiến không ít người nuối tiếc.
Trưa một ngày cuối năm 1996, tại quán cà phê Linda (Q.4), Nguyễn Thanh Vân, con trai của vị võ sư lúc ấy mới 20 tuổi bị Phạm Văn Sơn chọc tức. Nổi giận và vì sĩ diện với bạn gái đi cùng, Vân đấm Sơn và bị đối thủ cầm dao đâm trúng tay chảy máu. Tiếp đó, Vân cầm xẻng đuổi đánh Sơn, một mặt nhờ người về nhà báo cho người thân.
Được tin, nhóm người nhà của Vân gồm võ sư Nguyễn Văn Vạn và Nguyễn Khắc Đại (em chú bác ruột với Vân), Nguyễn Văn Hạnh (cha Đại), và Nguyễn Văn Hùng Dũng (chú Đại) cầm hung khí chạy đến. Không truy tìm được kẻ gây sự với Vân, cả nhóm quay sang quậy phá, truy sát những người trong quán vì nghĩ rằng chủ quán đã đưa dao cho địch thủ đâm Vân. Sau cuộc truy sát kinh hoàng, anh Lê Hồng Quân (cậu chủ quán Linda) bị đâm chết khi đang nằm trên võng, anh Nguyễn Phương Nam (chủ quán) bị chém đứt lìa bàn tay với 41% thương tích vĩnh viễn.
Năm 1999, vụ án tưởng chừng đã khép lại khi bản án của TAND TP.HCM tuyên bố không đủ chứng cứ để buộc tội 3 anh em nhà ông Vạn và tha bổng tại tòa. Ba năm sau đó, tòa phúc thẩm hủy án điều tra lại, võ sư Vạn cùng các đồng phạm bị bắt sau khi tha bổng. Ngày 1.3.2004, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai, HĐXX của TAND TP.HCM xác định võ sư Vạn chính là chủ mưu trong vụ truy sát nên tuyên phạt tù chung thân do đã có thành tích trong thể thao, phạm tội lần đầu... Không đồng tình, VKSND TP.HCM đã kháng nghị yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xem xét lại bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt từ chung thân lên tử hình. Ngày 15.4.2004, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị tuyên tử hình ông Vạn.
Nguyễn Văn Vạn.
Ông Ba Vàng - Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Gò Dưa:
Lâu lâu mới có đệ tử hoặc bạn bè, nể uy danh ổng tìm đến nhang khói. Tui ở đây cũng chăm sóc ổng suốt. Cả đời oai phong, vì một phút nóng giận mà giờ chết cô đơn, u uất vậy. Nghĩ mà buồn lắm chú ơi
Ngày 13.1.2005, vị võ sư nổi tiếng bị thi hành án tử tại trường bắn Long Bình. Đúng một năm sau, mộ của ông được khai quật, “cứu” khỏi trường bắn và đưa về an táng tại Nghĩa trang Gò Dưa. Ở đây, mộ võ sư Nguyễn Văn Vạn lát đá hoa cương bóng loáng, được trang trí bằng các chậu hoa ở hai bên. Trên tường bia mộ, hai bên khắc hai bài thơ của vợ con nhắn gửi người quá cố, lâu ngày rêu mốc, nhòe nét chữ.
Chính giữa là bia một khắc hình, ghi rõ tên tuổi: Phần mộ Nguyễn Văn Vạn, Sinh: 26.11.1953. Mất: 13.01.2006”. Chúng tôi thoáng khó hiểu vì bia mộ ghi đúng ngày tháng mất của vị võ sư nhưng đã ghi “lùi” năm từ 2005 thành 2006. “Hồi đó người ta đưa ổng về đây rồi lập mộ vậy. Cũng không ai để ý. Sau này biết cũng không hỏi. Chắc người ta cũng muốn quên đi chuyện ổng mang án tử. Chết rồi, gợi lại chi thêm buồn”- ông Ba Vàng nói.
Phần mộ võ sư Vạn tại nghĩa trang Gò Dưa.
Ông chủ đất nhiệt tình dẫn tôi đến một góc quan sát kỹ. Mộ của vị võ sư bị lún, nghiêng hẳn về bên phải. Ông giải thích đất ở nghĩa trang là đất yếu. Trước đây, khi chôn cất thường phải đúc bê tông bên dưới. Lần an táng vị võ sư, vì phải làm nhanh chóng nên chỉ đào đất lên rồi chôn xuống. Sau này người ta lập mộ, đúc bê tông và xây mái bên trên, nặng quá gây sụt lún.
“Lâu giờ chờ con cháu xuống để kêu sửa lại. Để ổng nằm vậy tội lắm. Nhưng chờ hoài không thấy” - ông Ba vừa nói vừa phủi bụi trên bàn thờ, những chân nhang lâu ngày ố màu, hoang lạnh. Ông kể, từ lúc an vị võ sư Vạn đến nay, người thân thưa thăm viếng. Vợ ông nghe đâu đã tái giá và định cư ở nước ngoài. Người con trai sau khi thụ án tù về có vài lần tìm đến nhưng rồi cũng thưa dần.
“Lâu lâu mới có đệ tử hoặc bạn bè, nể uy danh ổng tìm đến nhang khói. Tui ở đây cũng chăm sóc ổng suốt. Cả đời oai phong, vì một phút nóng giận mà giờ chết cô đơn, vậy. Nghĩ mà buồn lắm chú ơi” - ông Ba Vàng cất tiếng thở dài, bước đi thất thểu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.