Trong họp báo do Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức sáng 28.1, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh: “Việc xin cho chữ diễn ra nhiều năm tại vỉa hè Văn Miếu.
Năm nay sẽ không có cảnh các ông đồ “nhảy dù” như năm ngoái. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đây là nét văn hóa hay nhưng thiếu tính tổ chức. Năm 2014 là năm trật tự văn minh đô thị nên Sở phối hợp chính quyền phường bố trí 70 lều, đưa các ông đồ vào hồ Văn. Tính tới thời điểm này đã có 200 người đăng ký viết chữ tại Hội chữ xuân Ất Mùi. Với 100 nhà bạt dự kiến dựng quanh hồ Văn. Chưa kể số lượng phát sinh, chí ít mỗi “lều” cũng đã hai ông đồ.
Trước lo ngại về mặt bằng chật hẹp hay quản lý nhân sự, giá cả, ông Trần Quốc Chí - Phó Chủ tịch CLB Thư pháp UNESCO, phụ trách quản lý nhân sự cho biết, mỗi người viết chữ đều phải đeo thẻ do BTC phát có đầy đủ thông tin suốt thời gian tham gia.
Bảng giá mua giấy viết thư pháp được niêm yết chi tiết công khai. BTC có lều thường trực, đồng thời lập đường dây nóng để xử lý vi phạm.
Tuy nhiên ông Chí cũng nói thêm là khách vẫn có thể thỏa thuận riêng với người viết nếu có yêu cầu đặc biệt như câu đối treo từ đường hay bảng chữ lớn trên chất liệu khác...
Còn nhớ năm ngoái vẫn có các ông đồ “nhảy dù” trải chiếu ngồi vỉa hè Văn Miếu, thậm chí còn đắt khách. Khiến đám đồng nghiệp “cắm trại” trong hồ Văn nóng ruột, cũng rút lều nhao ra đường. Ông Tiến yêu cầu BTC năm nay xử nghiêm các cá nhân vô tổ chức, không cho tham gia các lần tiếp theo.
Song song hoạt động xin cho chữ, triển lãm thư pháp là nét mới của Hội chữ xuân Ất Mùi. Các bức thư pháp khổ lớn bày ven lan can hồ Văn, mà theo ông Chí sẽ rất hài hòa với cảnh quan chung.
Ông Chí cũng khẳng định chất lượng của chúng, và của cả người viết chữ đều được kiểm định kỹ lưỡng bởi ban tuyển chọn - gồm những nhà thư pháp, nghiên cứu Hán-Nôm giàu kinh nghiệm. Nên khách mua chữ không còn phải lo vớ phải người viết ẩu, viết bừa. Ngoài ra có sự phân cặp viết mỗi lều, người giỏi hơn, nhiều chữ hơn sẽ hỗ trợ người còn lại, bí quá mới mở từ điển. Chữ cho đủ cả Hán - Nôm lẫn quốc ngữ tùy yêu cầu của khách.
Về chuyện xã hội hóa, bà Nguyễn Thị Luận - Phó giám đốc điều hành Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định, Trung tâm chỉ lo truyền thông, triển lãm và các trang thiết bị thiết yếu như điện, nước... Kinh phí còn lại các ông đồ phải chịu.
Mỗi cá nhân tham gia viết chữ phải tự đầu tư về nhà bạt (khoảng 2 triệu một chiếc dành cho hai người, hết hội có thể mang về sang năm dùng tiếp). Ngoài ra còn có nghĩa vụ đóng phí dịch vụ thiết yếu (tầm 500 nghìn đồng/người). Đổi lại, họ được cầm toàn bộ số tiền thu được khi viết chữ cho khách.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.