Nam sinh 9x và hành trình từ ước mơ nhạc sĩ đến chuyên gia Google
Nam sinh 9x và hành trình từ ước mơ nhạc sĩ đến chuyên gia Google
Thứ sáu, ngày 23/04/2021 07:22 AM (GMT+7)
Nguyễn Hoàng Bảo Đại (sinh năm 1994) trở thành người thứ 3 tại Việt Nam được Google công nhận Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực Machine Learning.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Hoàng Bảo Đại (sinh năm 1994) là cái tên được nhắc nhiều trong cộng đồng AI Việt Nam. Anh được biết đến với dự án tạo ra mô hình “AI sáng tác nhạc” với 10 bài hát trong 1 giây.
Từ ước mơ nhạc sĩ đến chuyên gia Google
Bảo Đại tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
Đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên, ngành học ban đầu Bảo Đại muốn theo đuổi lại là âm nhạc. Cậu định theo đuổi ngành sáng tác của Nhạc viện TP.HCM nhưng gia đình và thầy cô không ủng hộ đã khuyên theo con đường khác.
“Mình quyết định chọn ngành Công nghệ Thông tin vì có bạn thân thi ngành này. Mình thật sự mất phương hướng trong thời điểm đó và chỉ mong sao lên đại học có một người bạn nói chuyện cùng, đàn hát cho nhau nghe”, Đại tâm sự.
Chia sẻ về những năm học đại học, Đại cho biết nhiều lần 9X cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành vì những người bạn cùng khóa rất “siêu nhân”.
“Các bạn đều có mục tiêu phấn đấu, theo đuổi ngành từ rất sớm nên có nhiều hiểu biết. Ngược lại, mình không có gì. Cho đến năm thứ 3, được chọn chuyên ngành, từ đó mình bắt đầu biết đến khái niệm trí tuệ nhân tạo (hay còn được gọi tắt là AI). Mình rất thích lĩnh vực này dù chỉ mới bắt đầu tìm hiểu”.
Bén duyên với AI, Bảo Đại có thêm nhiều trải nghiệm và đam mê. Năm 2021, Bảo Đại vinh dự được Google công nhận là Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực Machine Learning.
Để trở thành chuyên gia của Google, người tham gia ứng tuyển phải cần nhiều yếu tố từ kiến thức vững chắc đến những đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực của họ.
“Trong vòng CV, bạn sẽ cần phải chia sẻ sự kiện, techtalk (online hoặc offline) với vai trò là diễn giả, hay số lượng blogs, vlogs mà đã làm để chia sẻ kiến thức của mình cho mọi người. Số lượng người tham gia sự kiện, hay lượt view của blog/video sẽ là những con số để cân nhắc ứng viên ứng tuyển GDE được đi tiếp vào vòng phỏng vấn hay không”, Đại chia sẻ về yếu tố quan trọng để trở thành GDE.
Nhạc sĩ biết code
“Nhạc sĩ biết code” là dòng tự giới thiệu của Bảo Đại về mình. Đại nổi tiếng trong giới công nghệ bởi khả năng sáng tác âm nhạc bằng AI - một sự kết hợp tưởng chừng bằng 0.
Đại đã có thể yêu cầu mô hình viết một đoạn nhạc dài 10 giây, hoặc 5 phút, hoặc thậm chí dài hơn tùy ý. Mô hình AI này sẽ nhận vào một đoạn nhạc ngắn, làm cơ sở đầu vào để nắm bắt được ý đồ phong cách, sau đó tạo ra những ca khúc đầy đủ đúng như mong muốn của người viết. Tốc độ viết nhạc rất ấn tượng, khi mình chỉ cần 1 giây mà có thể có 10 đoạn giai điệu khác nhau
“Ví dụ như nếu mình ‘mớm’ một đoạn giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu, mình sẽ có 10 ca khúc ballad trữ tình. Nếu mình đưa vào một đoạn nhạc có tiết tấu nhanh hơn một chút, chắc chắn sẽ nhận được 10 ca khúc có giai điệu năng động. Thậm chí, khi 'bí' ý tưởng quá, mình có thể yêu cầu mô hình AI này tự tạo ra ca khúc luôn mà không cần 'mớm' giai điệu nữa”, Bảo Đại nói về mô hình AI viết nhạc của mình.
Việc viết nhạc bằng AI, theo Bảo Đại, không ảnh hưởng đến cảm xúc trong âm nhạc mà chính thế giới quan của mỗi người nghe tạo nên cảm xúc.
Bắt tay vào dự án khá mới mẻ này, Bảo Đại gặp không ít khó khăn vì dự án này nằm ngoài vùng an toàn của bản thân. Khó khăn lớn nhất là dữ liệu - vấn đề tất cả kỹ sư nghiên cứu AI đều gặp phải. Để xây dựng tệp dữ liệu đó, có thời gian Bảo Đại đã phải đàn lại khoảng 300 ca khúc trong vòng 1 ngày.
“Xuyên suốt dự án, mình hầu như không có đồng đội để cùng nhau thực hiện, vậy nên thời gian của dự án cũng diễn ra khá lâu”.
Với dự án này, Đại cảm thấy bản thân có thêm một người bạn để “trao đổi với nhau về âm nhạc, tạo cảm hứng cho mình và giúp mình hoàn thiện sản phẩm rất nhanh”.
“Tính ưu việt của mô hình này, cũng như các mô hình AI nói chung trong các mặt khác của cuộc sống, đó chính là tốc độ và tiện dụng. Tốc độ viết giai điệu của mô hình rất nhanh (10 giai điệu/giây), từ đó con người có thể chỉ cần nghe và chọn, hoặc chỉnh sửa một chút để chốt phần giai điệu cho ca khúc. Thời gian còn lại có thể dành để tập trung vào những công đoạn khác để xuất bản ca khúc (bao gồm viết lời, hòa âm phối khí, thu âm...)”, Đại nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.