Nam sinh kể chuyện làm đồ án về... phá thai

Thứ sáu, ngày 22/07/2011 14:20 PM (GMT+7)
Dù nhiều người phản ứng là “ghê quá” với đồ án tốt nghiệp có chủ đề về nạo phá thai, chàng sinh viên Lê Thiện Tâm lại khẳng định đó là cách để cậu bộc bạch về điều ám ảnh từ lâu.
Bình luận 0

Hàng chục sản phẩm đồ họa như poster, móc đeo chìa khóa, phong thư, hồ sơ cá nhân… liên quan đến vấn đề nạo phá thai trong đồ án tốt nghiệp của Lê Thiện Tâm (sinh viên chuyên ngành Đồ họa, ĐH Văn Lang) làm nhiều người phải rùng mình.

Nam sinh này đã liều lĩnh chọn đề tài “nóng” khi mà Việt Nam nằm trong “top” những nước tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.

img

Chọn đề tài về nạo phá thai làm đồ án, Lê Thiện Tâm muốn bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm của mình (Ảnh: Hoài Nam).

Thiện Tâm cho hay, mình bị ám ảnh về việc nạo phá thai từ khi còn là SV năm nhất. Cậu vô tình đọc lá thư của bé Trung Thu - câu chuyện về một cơ thể sống ở tháng thứ 7 đỏ hỏn và quắt queo nằm trong bụng mẹ bị lên bàn phá ngay trong đêm Trung thu - được một người nào đó viết lại đăng tải trên một diễn đàn. Từ đó, cậu tìm đọc rất nhiều sách báo về chủ đề này. Việc chọn đề này “nhạy cảm” này làm đồ án tốt nghiệp là cơ hội để Tâm bày tỏ suy nghĩ của mình.

Hình ảnh tuyên truyền về nạo phá thai trong nước không nhiều, trong khi hình ảnh ở nước ngoài lại quá trần trụi, chân thực, máu me và mổ xẻ… nếu áp dụng theo sẽ gây sốc, thậm chí là phản cảm. Vì thế, Tâm rất khó khăn trong việc tìm hình ảnh đồ họa.

 Cậu phải tự cho ra tất cả các ý tưởng chứ không có “hình mẫu” như nhiều chủ để khác. Tâm tập trung nhiều đến nội dung vấn đề bào thai “yểu mệnh” bị loại bỏ khỏi đời sống cũng như tiếng cầu cứu của chúng bằng ảnh của chú cá bị đưa ra khỏi dòng nước, một chiếc dây thừng thắt cổ như là một "bản án cho kẻ vô tội"…

Thời gian gần 4 tháng thực hiện đồ án, những con số, những hình ảnh về “bệnh” phá thai luôn nhảy nhót trong đầu nam sinh này. Tâm không hình dung nổi điều gì đang xảy ra khi mỗi năm trên thế giới gần 42 triệu bào thai bị tước đoạt quyền sống và cứ 1 phút trôi qua thì có 79 sinh mạng bị phá bỏ mà nhiều người vẫn thờ ơ đến vậy.

img
Hình ảnh vùng vẫy của một con cá khi bị đem ra khỏi nước được Tâm lựa chọn để nói lên khát vọng sống của thai nhi (Ảnh: Hoài Nam)

“Tiếp xúc nhiều quá, đêm ngủ tôi còn liên tục mơ thấy tiếng la hét, cảnh quẫy đạp của các bào thai và cả máu me nữa. Tỉnh dậy toát mồ hôi tưởng như mình trải qua cảnh tượng thật vậy”, Tâm cho hay.

Từ lâu, trong suy nghĩ của một nam thanh niên như Tâm, phá thai đi liền xấu xa, hư hỏng… nhưng sau đó cậu nhận ra một khía cạnh: người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, nhất là những người chưa có gia đình chịu áp lực rất nặng từ gia đình, xã hội. Tâm biết có cô gái trẻ chưa chồng mang thai quyết tâm giữ lại nhưng bố mẹ, gia đình… nhất quyết không chịu. Cuối cùng cô gái chấp nhận bỏ đi đứa con của mình.

“Quan niệm không chồng mà chửa là đáng tội cạo đầu bôi vôi, thả bè trôi sông… dường như cũng là một văn hóa vậy. Và muốn hay không văn hóa này một phần tiếp tay cho hành vi tước quyền sống của người khác - dù đó là thai nhi”, Tâm chia sẻ suy nghĩ của mình.

Thiện Tâm thấy rằng, một bộ phận giới trẻ nay sống thoáng quá, hòa mình rất nhanh theo lối sống từ bên ngoài ùa vào bất chấp hậu quả, trong khi họ lại không hề được trang bị về kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Nên theo Tâm việc có những người bỏ thai liên tục không có gì lạ vì có người kiến thức giới tính… “âm” vẫn cứ sống liều. Khi thực hiện đồ án, Tâm không đánh đồng việc nạo phá thai đồng nghĩa là hư hỏng.

img
Sợi dây thừng trong poster đồ án của Tâm là hình ảnh về bản án cho những bào thai vô tội (Ảnh: Hoài Nam)

Điều Tâm chưa hài lòng với đồ án của mình là có thể chưa truyền tải được thông điệp về tuyên truyền, nâng cao ý thức để giảm bớt những con số “rùng mình” nói trên chứ không phải lên án. Cậu hiểu rằng lên án chỉ là khi hậu quả đã rồi, không giải quyết được gì hết.

Khi trò chuyện với Tâm thấy rõ, qua đồ án Tâm muốn nhắn nhủ mọi người hãy nghĩ đến hậu quả của việc phá thai, có thể tự tay họ đang “tước” đi quyền làm mẹ của mình.

 Thiện Tâm xót xa khi nói rằng tiếng kêu cứu của các bào thai cũng có thể xem là tiếng kêu cứu của các bạn trẻ - họ thật sự đang cần được giúp đỡ để trang bị cho mình kiến thức về quan hệ an toàn chứ không phải là những thái độ né tránh.

Theo Dân trí
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem