Thời gian qua, bệnh nấm tắc kè đã khiến không ít hộ nông dân trồng thanh long ở các tỉnh phía Nam lao đao. Mới đây, bệnh đã xuất hiện ở một số huyện của tỉnh Đồng Nai.
Bệnh phát triển lan rộng ra, liên kết nhau thành từng mảng lớn làm sần sùi bề mặt cành. Nặng hơn, bệnh có thể gây thối từng mảng lớn. Ảnh Sofri
Đây là căn bệnh dễ lây lan, có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Khi mùa mưa đang cao điểm, nhiều nông dân càng thêm lo lắng khi bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Theo ông Đoàn Trung Ngọc, người tiên phong trồng thanh long ruột đỏ tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), loại nấm bệnh này chỉ mới xuất hiện tại Đồng Nai nhưng bùng phát khá nhanh trong mùa mưa năm nay.
Vườn thanh long của ông sản xuất theo chuẩn VietGAP, không được sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên việc xử lý gặp nhiều lúng túng.
“Nếu không theo dõi kỹ trong những ngày mưa liên tiếp như hiện nay, nguy cơ bùng phát trở lại là rất lớn. Vườn của tôi đã khống chế được căn bệnh này, nhưng một số hộ không xử lý kịp đã phải chặt bỏ hết”, ông Ngọc nói.
Tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), bà Đỗ Thị Hoàng Oanh kể dù thuận mùa, thanh long cho năng suất cao nhưng chỉ thu được 20 – 30% so với mọi năm. Chất lượng trái không ảnh hưởng nhưng vỏ bị đốm nên tiểu thương thu mua giá rất thấp.
Bệnh tấn công và gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của quả, đặc biệt ở giai đoạn sau trổ hoa và giai đoạn chuẩn bị chín. Ảnh Sofri
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Nai, bệnh chỉ mới phát sinh trên diện tích nhỏ, bước đầu đã được khống chế. Nhà vườn cần theo dõi kỹ vườn cây vì nếu chủ động trong phòng trừ vẫn có thể ngăn dịch nấm tắc kè phát sinh. Với vườn đã lây nhiễm, phải cắt bỏ ngay những chồi, nhánh bị bệnh, dọn vườn thông thoáng không để mầm bệnh lây lan.
Trước đó, mùa mưa năm 2016, bệnh từng tấn công trên quy mô lớn ở tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, bệnh tắc kè thanh long (hay còn gọi bệnh đốm nâu, bệnh ma) là một loại dịch hại mới phát sinh, do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra; gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái ở các tỉnh phía Nam.
Bệnh tấn công và gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của quả. Triệu chứng gây hại cũng tương tự như trên cành. Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, các vết bệnh phát triển lan rộng ra, liên kết nhau thành từng mãng lớn làm sần sùi bề mặt cành, có khi gây thối từng mảng lớn.
Bệnh xuất hiện và tấn công mạnh vào mùa mưa. Nguy hiểm hơn nữa là bệnh có thể lây lan trên diện rộng thông qua gió, mưa bão, nước, dụng cụ cắt tỉa.
Loại bệnh này lại khó quản lý do cây thanh long là có khả năng ra hoa, mang quả quanh năm nên việc phòng trị bệnh phải áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp và triệt để thì mới đạt hiệu quả cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.