|
Trong gia đình, người phụ nữ phải biết thoát khỏi sự đánh đập, biết dựa vào xung quanh để lên tiếng bảo vệ chính mình |
Vòng luẩn quẩn...
Mới sáng sớm ngày 1-10, một phụ nữ với khuôn mặt thâm tím, hai hốc mắt tụ máu đã ngồi chờ ở hàng ghế ngoài hành lang Trung tâm Tư vấn và chăm sóc sức khoẻ phụ nữ đặt tại BV Đa khoa Đức Giang (Gia Lâm, Hà Nội).
Chiều hôm trước, anh chồng chị ngất ngưởng về nhà, người đầy hơi men và thú nhận, chiếc xe máy duy nhất dùng để chở con đi học đã thua độ bóng đá. Chị xót của nói chồng vài câu, sẵn có chiếc ghế bên cạnh, anh chồng choảng ngay vào mặt vợ.
Bác sĩ, chuyên gia tư vấn, Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm nói trên cho biết, trung bình một tháng có khoảng hơn 200 phụ nữ tới đây để chữa trị, nhờ can thiệp. Có trường hợp phải nằm trên cáng bởi cú đá vào ngực của chồng đã làm nạn nhân vỡ gan, mật... Có trường hợp chồng ghen tuông, đè vợ ra, dùng dao lam vạch sâu trên mặt vết thương hình chữ X. Đặc biệt có ca tử vong vì chấn thương sọ não do bị chồng đẩy ngã...
Mỗi một nạn nhân đến trung tâm có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có chung "văn hoá im lặng". Vì thương con, vì danh dự gia đình, vì thương bố mẹ đẻ, vì sợ không còn nơi ở… mà các nạn nhân đã cam chịu trong nước mắt. Họ không dám tố cáo người chồng của mình. Thậm chí khi vụ việc đã rõ mười mươi, khi chính quyền và các đoàn thể đến can thiệp họ lại rút yêu cầu xử lý kẻ vi phạm…
Dài cổ chờ văn bản hướng dẫn
Số nạn nhân đến với trung tâm ngày càng nhiều. Điều này cũng đáng mừng nhưng rất đáng lo. Mừng vì những người phụ nữ vốn chỉ nép sau cánh cửa đã tự tin tìm đến đây để giải cứu cho chính mình. Lo vì ngày nay không còn nhiều phụ nữ lam lũ về cái ăn, cái mặc nhưng lại lắm người bị tù đầy trong chính cuộc sống gia đình vì bạo lực.
BS Nguyễn Ngọc Quyết
"Thương chồng con vốn là đức tính của người phụ nữ VN, nhưng cũng cần phải thương lấy bản thân mình. Trong gia đình, người phụ nữ phải biết thoát khỏi sự đánh đập, biết dựa vào xung quanh để lên tiếng bảo vệ chính mình" - chuyên gia tư vấn Nguyễn Ngọc Quyết chia sẻ.
Muốn vậy, nạn nhân BLGĐ rất cần một chỗ dựa từ phía cộng đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm, Luật Bình đẳng giới và Phòng chống BLGĐ được thực thi (1-7-2008), các nạn nhân vẫn còn đơn độc.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đánh giá, qua công tác tư vấn và tham gia tranh tụng các vụ án có liên quan đến BLGĐ thời gian qua cho thấy, tình trạng này vẫn gia tăng, hình thức đa dạng, nạn nhân có cả nông dân và trí thức.
Trong khi, số vụ việc được đưa đến cơ quan có thẩm quyền và được các cơ quan này thụ lý giải quyết còn quá ít. Nhiều nơi, cán bộ chưa được tập huấn, không biết đến tên luật và thẩm quyền của mình.
Theo Luật Bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền xã đối với các vụ BLGĐ là rất quan trọng. Đơn cử, Công an xã phải xác minh sự việc, tiếp nhận đơn của nạn nhân và gia đình, cách ly người gây bạo hành và có thể xử phạt tới 20 triệu đồng.
Đối với các vụ BLGĐ, nhiều cán bộ xã, phường không giấu giếm rằng, họ chỉ "xử" theo lối cũ. Có nghĩa, nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì gửi lên cấp huyện giải quyết, còn không thì… hoà giải và khuyên các bên "đóng cửa bảo nhau"!
Về phía trách nhiệm các bộ ngành, "đến nay, chỉ duy nhất có Bộ Y tế đã ra thông tư hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước thực hiện quy trình khám sàng lọc cho nạn nhân nữ bị BLGĐ từ 15 tuổi trở lên, còn lại chưa có ban ngành nào thực sự sốt sắng về việc này!"- ông Quyết chia sẻ.
Như vậy, tình trạng BLGĐ chỉ có thể bị đẩy lùi nếu các nạn nhân biết "đấu tranh" cho bản thân mình, nhưng sẽ không thể hiệu quả nếu thiếu hẳn sự chia sẻ từ phía cộng đồng.
Nguyễn Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.