Nạn nhân của gián

Chủ nhật, ngày 23/03/2014 08:07 AM (GMT+7)
Hẳn nhiên, lúc đầu ai cũng trách cứ, thậm chí giận dữ với mấy người nuôi gián kia, song nhìn nhận khách quan lại chúng ta mới thấy, chính những người nuôi gián đó là nạn nhân...
Bình luận 0
Cuối cùng thì dư luận cũng có thể thở phào khi những đàn gián ở Bắc Ninh đã được người dân tự nguyện tiêu hủy, tránh được mối lo loài côn trùng này sinh sôi, nảy nở.

Hẳn nhiên, lúc đầu ai cũng trách cứ, thậm chí giận dữ với mấy người nuôi gián kia, song nhìn nhận khách quan lại chúng ta mới thấy, chính những người nuôi gián đó là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm trong vụ việc này.

img
Ông Nguyễn Đình Nguyên - chủ cơ sở nuôi gián - đứng nhìn ngọn lửa thiêu hủy đàn gián nuôi

Đã đành là họ có lỗi khi nuôi côn trùng có hại, song động cơ và mục đích của họ thì hoàn toàn có lý, đó là tìm ra hướng đi mới để làm giàu cho bản thân bởi đây là loài vật nuôi mới được một số người Trung Quốc chào mời và có đầu ra. Cũng vì xác định nghiêm túc như thế, nên một hộ dân mới xin phép đăng ký kinh doanh với Sở KHĐT Bắc Ninh và được cấp phép.

>> Vụ "gián đất" ở Bắc Ninh: Người nuôi đòi bồi thường

Trả lời NTNN, Phó Giám đốc Sở KHĐT Bắc Ninh Ngô Tân Phượng đã thừa nhận, Sở có sai sót trong việc cấp phép trên và lỗi là do năng lực cán bộ ở Phòng Đăng ký kinh doanh kém, các cán bộ tham mưu cũng kém nên mới cấp phép. Tuy nhiên, do chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nên Sở chỉ xử lý nhắc nhở nhẹ, chứ không kỷ luật nặng. Ô hay, tiêu chuẩn của việc tuyển chọn cũng như sử dụng cán bộ công chức là phải đủ trình độ, năng lực chuyên môn để phục vụ người dân. Nếu đúng như ông Phượng nói “do năng lực cán bộ”, thì không những phải xử lý kỷ luật, mà còn phải sa thải hoặc chuyển công tác khác.

>> Nuôi gián đất: Cấp phép sai do năng lực cán bộ kém

Về phía Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh thì sao? Với tư cách là một cơ quan chuyên môn về lĩnh vực chăn nuôi, họ phải hiểu hơn ai hết gián là một loài côn trùng gây hại nguy hiểm, giết đi còn chẳng được nữa là nuôi.

Ấy thế mà phải 7 tháng sau khi các hộ nuôi gián, họ mới có công văn gửi Bộ NNPTNT để “xin ý kiến” và đến khi Bộ có công văn trả lời yêu cầu không được nuôi và phải xử lý nghiêm thì họ mới té ngửa, đây là loài vật nuôi nằm ngoài danh mục sản xuất kinh doanh.

Giờ đây, rất may sự việc đã được báo NTNN và một số cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh kịp thời nên bài học về một “ốc bươu vàng” thứ 2 đã không lặp lại, nhưng vấn đề đặt ra là kẽ hở trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chuyên ngành cần phải xem xét lại. Cuối cùng, câu hỏi đặt ra sau sự việc này ở đây là, ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong sự việc này, ai sẽ bồi thường cho thiệt hại của người dân khi chính họ đã xin phép và được cấp phép (do năng lực yếu) đó? Đây cũng là bài học đích đáng cho những cơ quan nhân danh quản lý nhà nước đã cấp phép tùy tiện, thiếu hiểu biết dẫn đến hậu quả nặng nề.

>> Nhiều kẽ hở để gián “chui” từ Trung Quốc vào Việt Nam
Lê Hân (Lê Hân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem