Ngày hôm qua, cảnh sát Thụy Sĩ đã ập vào khách sạn Baur au Lac (Zurich, Thụy Sỹ), nơi các quan chức FIFA nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cuộc bầu cử chức Chủ tịch FIFA nhiệm kỳ tiếp theo.
Tờ AP khẳng định, tổng số người bị đưa đi thẩm vấn là 14 người, đó có 7 quan chức thuộc FIFA (một số nguồn đưa ra con số 9, 8 và 6).
Cảnh sát tịch thu những tài liệu liên quan. Ảnh: Getty.
Tờ New York Times cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đã có trong tay bản cáo trạng dài 166 trang để buộc tội các quan chức cấp cao của FIFA nhận hối lộ số tiền khoảng 100 đến 150 triệu USD. Vậy từ đâu mà Bộ Tư pháp Mỹ và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện ra những manh mối gian lận tài chính của các nhân vật quyền lực trong làng bóng đá thế giới?
Theo Washington Post, vào năm 2010, FIFA yêu cầu FBI thẩm định xem các quan chức của họ có nhận tiền “bôi trơn” để trao cơ hội tổ chức World Cup 2018 và 2022 cho Nga và Qatar hay không. Người nhận nhiệm vụ khi ấy là điều tra viên Michael Garcia. Ông và các cộng sự của mình đã tiếp cận các tài khoản ngân hàng, giấy tờ liên quan và các cuộc thư tín, điện thoại... của một số quan chức FIFA thường xuyên có các hoạt động giao dịch tiền bạc ở Mỹ. Mọi chuyện trở nên thuận lợi khi cựu quan chức của FIFA, Chuck Blazer, đồng ý cung cấp tin cho FBI thực hiện vụ điều tra tham nhũng lớn nhất trong lịch sử làng túc cầu thế giới.
Chưa có công bố chính thức nào về việc có hay không chuyện Qatar đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để “bôi trơn”, giúp họ thắng thế trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022. Nhưng cần biết rằng, từ trước tới nay, Qatar chỉ nổi tiếng về dầu mỏ, chứ không phải một quốc gia có bề dày truyền thống bóng đá. Họ chưa từng dự World Cup, không có những ngôi sao thượng hạng, cơ sở vật chất cho môn túc cầu cũng yếu kém, diện tích đất nước nhỏ bé và quan trọng nhất, thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, không thuận lợi để tổ chức 1 sự kiện thể thao tầm cỡ.
Vậy mà Qatar đã vượt qua Anh, Mỹ, Nhật Bản, Australia... để trở thành chủ nhà của ngày hội bóng đá thế giới thứ 22. Khi đã thành công trong chiến dịch giành vé, quốc gia vùng Vịnh này mới bắt đầu cho triển khai các công trình phục vụ World Cup. Họ dự tính bỏ ra hơn 100 tỷ USD để xây mới toàn bộ các hạng mục, thuê hàng trăm nghìn công nhân nước ngoài về làm việc.
Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động thế giới (ITUC), công cuộc chuẩn bị World Cup 2022 tại Qatar đã trở thành thảm họa lao động. Tính tới thời điểm tháng 3.2014, đã có ít nhất 1.200 công nhân tử vong, và tổ chức này dự tính, khi các công trình hoàn tất, số công nhân tử vong có thể lên tới con số 4.000. Ấn Độ là nước có nhiều công nhân thiệt mạng nhất tại Qatar. Đại sứ quán nước này khẳng định, từ năm 2010 tới nay, 200 công nhân của họ đã qua đời.
Chính số lao động thiệt mạng ngày một nhiều tại Qatar đã thúc đẩy FBI cùng Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện nhằm đưa ra ánh sáng những hoạt động rửa tiền, nhận hối lộ, gian lận tài chính... của các quan chức đứng đầu FIFA. Theo bình luận từ Washington Post thì chính những “con sâu” của FIFA đã gián tiếp đẩy hàng ngàn người lao động xuống... địa ngục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.