Giúp nông dân nhận diện nông sản an toàn
Ông Lê Lưu Cầu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: Sản xuất lúa chất lượng cao, với giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25 - 30%, tập trung ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai…; sản xuất rau an toàn giá trị đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm ở Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm…; trồng cây ăn quả, cây cảnh đạt từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/ha/năm ở Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Mê Linh…; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản ở Thanh Oai, Ứng Hòa, Mê Linh, Chương Mỹ…
Tại hội thảo, người tiêu dùng tham quan khu trồng nấm kim châm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOCO Thanh Cao
Các đại biểu được Trung tâm Hội nhập và phát triển IDE hướng dẫn truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm để biết chi tiết về sản phẩm, số điện thoại nhà sản xuất, đơn vị cung cấp về quy trình sản xuất sản phẩm. Các hội viên cũng được khảo sát thực tế khu vực trồng và sản xuất nấm kim châm theo công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao; mô hình chuỗi thịt lợn A-Z của HTX Hoàng Long... |
.Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của TP.Hà Nội mới cơ bản đáp ứng được 69% nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm; 65% rau, củ quả; 35% gạo tẻ chất lượng; 5% thủy hải sản. Kênh phân phối nông sản phần lớn qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh.
Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhập buôn từ các chợ đầu mối về kinh doanh tại các chợ dân sinh, chợ cóc. Do vậy, công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm hiện còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, việc giúp người tiêu dùng nhận diện nông sản sạch, an toàn, đặc sản vùng miền của các địa phương trở thành yêu cầu bức thiết đối với các cơ quan quản lý của thành phố và người dân Thủ đô.
“Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức cho hội viên phụ nữ trên địa bànđi thăm các mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, nhằm giúp chị em nắm bắt thông tin, tăng cường khả năng nhận diện sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Đặc biệt, qua thăm mô hình thực tế, mỗi hội viên phụ nữ sẽ có thêm kiến thức và trở thành một tuyên truyền viên giúp cho những người xung quanh biết được về sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị”- ông Cầu khẳng định.
Kết nối người tiêu dùng với chuỗi sản xuất sạch
Bà Nguyễn Hiền Phương- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Hai Bà Trưng cho biết, bên cạnh các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, trên địa bàn phường có rất nhiều chợ truyền thống và chợ cóc. Hàng hóa tại các chợ đa dạng nhưng không rõ xuất xứ từ đâu, chất lượng có đảm bảo an toàn hay không…
Tại hội thảo, anh Nguyễn Trọng Long – Giám đốc HTX Hoàng Long (Thanh Oai) với chuỗi thịt lợn sinh học A-Z cho biết: “Bằng mắt thường, khó có thể phân biệt được đâu là thịt lợn sạch, đâu làbẩn. Phần nổi để nhận biết là màu sắc và mùi vị. Tuy nhiên khi thịt đã ôi, nếu bị ngâm tẩm hóa chất, miếng thịt lại tươi và không hề có mùi. Chỉ đến khi chế biến mới biết được. Hiện HTX đang nuôi hơn 430 lợn nái, 4.000 lợn thương phẩm với quy trình kiểm duyệt rất khắt khe, từ con giống đến thức ăn. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học vào chăn nuôi, giúp lợn khỏe mạnh, thịt đầy đủ dinh dưỡng và thơm ngon; các sản phẩm chế biến như giò, chả, xúc xích… đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Theo anh Long, xu hướng tiêu dùng của các nước tiên tiến đã không còn dùng thịt nóng bán ngoài chợ mà chuyển sang tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông. Nghiên cứu khoa học cho thấy, thịt sau giết mổ để ra ngoài môi trường, cứ sau 1 giờ đồng hồ, số lượng vi khuẩn tăng gấp 20 lần. Do đó, phương pháp giết mổ, bán thịt theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo. Anh Long kỳ vọng, sau chuỗi chương trình tham quan thực tế này, thị hiếu tiêu dùng của các bà nội trợ thay đổi sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cửa hàng tiện ích ở cả nội thành và ngoại thành.
Bà Dương Thị Thu Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao khẳng định: “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp như chúng tôi được gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu và giới thiệu sản phẩm an toàn của doanh nghiệp đến trực tiếp người tiêu dùng”.
Được biết, nhà máy sản xuất nấm kim châm KINOKO Thanh Cao đã khánh thành và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 4.2017, với sản phẩm chính là nấm kim châm, nấm sò tím sạch theo công nghệ Nhật Bản, với công suất 1,5 tấn nấm/ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.