Nâng chuẩn quốc tế cho lao động Việt

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 17/01/2020 06:00 AM (GMT+7)
Ngay sau khi tốt nghiệp đã có tới hơn 70% sinh viên học nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Úc có việc làm. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực đào tạo để có lao động tay nghề kỹ thuật cao, đạt chuẩn quốc tế.
Bình luận 0

Lương 15-30 triệu đồng/tháng

Tại hội nghị tổng kết đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Úc vừa diễn ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, ngay sau khi tốt nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn, đã có 477/724 sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó: 40 em đã đi làm hoặc đang hoàn thiện thủ tục đi làm việc ở nước ngoài; 214 em làm việc trong các công ty liên doanh nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, 204 em làm việc tại các doanh nghiệp khác của Việt Nam; 19 em tự khởi nghiệp…

img

Dạy nghề Cơ điện tử theo chương trình nghề trọng điểm quốc tế của Úc. Ảnh: M.N

“Hiện nay có 25 trường cao đẳng đủ năng lực tổ chức đào tạo 12 nghề chất lượng cao đạt trình độ tiên tiến của Úc. Tính đến tháng 12/2019 toàn bộ 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo với tổng số 724 sinh viên tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%, trong đó tỷ lệ khá giỏi chiếm 90%, được cấp bằng cao đẳng của Học viện Chisholm và bằng cao đẳng của Việt Nam".

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết, các bộ chương trình chuyển giao đã được xây dựng theo quy trình tiên tiến của Úc và được Hội đồng ngành của Úc công nhận. 12 bộ chương trình này sẽ là 12 bộ chương trình chất lượng cao cấp độ quốc tế đầu tiên của Việt Nam theo phương thức chuyển giao, đã được kiểm nghiệm trong thực tế qua việc đào tạo thí điểm và sẽ tiếp tục được đưa vào triển khai tổ chức đào tạo trong hệ thống GDNN.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường tham gia thí điểm đào tạo được tăng cường, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đáp ứng theo quy định của Học viện Chisholm và Chính phủ Úc. Gần 300 nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại Úc, có năng lực chuyên môn nghề nghiệp tốt, năng lực ngoại ngữ được nâng cao, đủ điều kiện giảng dạy các chương trình chất lượng cao, trong môi trường quốc tế.

"Với việc áp dụng đào tạo nghề theo chương trình của Úc, chúng ta có thể nâng cao trình độ lao động. Cụ thể, người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo thí điểm ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 trở lên đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế" - ông Hùng nói. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI đã đăng ký nhu cầu và một số đã thực hiện việc tuyển dụng luôn các em sau khi tốt nghiệp. Dù mới tốt nghiệp nhưng nhiều học sinh đã được trả lương từ 15-30 triệu đồng/tháng.

Sẽ nhân rộng để học sinh được tiếp cận

Bà Jennie Dehm - Giám đốc các chương trình dự án quốc tế, Học viên Chisholm cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể cho các trường cao đẳng, các trường được cung cấp thiết bị, giáo viên có kinh nghiệm. Do đó, đây là giai đoạn nâng cao lợi ích đầu tư bằng cách tăng số lượng sinh viên theo học các chương trình đào tạo.

Để các trường đang đào tạo nghề theo chương trình Úc có khả năng tuyển sinh khóa học mới, bà Jennie Dehm đề xuất, phải đánh giá trước khi đào tạo, đánh giá để xác định sinh viên nào cần hỗ trợ thêm hoặc phải học thêm các khóa học tiếp nối, Đảm bảo sinh viên tốt nghiệp được trang bị tốt để tối ưu các cơ hội việc làm; cung cấp thông tin và tiếp cận cho sinh viên với các tổ chức và doanh nghiệp ngành chủ chốt…

Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định việc Úc chuyển giao các bộ chương trình với 12 nghề và Đức với 22 nghề là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực đào tạo để có lao động tay nghề kỹ thuật cao, đạt chuẩn quốc tế.

"Quan điểm muốn hội nhập tốt phải lấy các tiêu chuẩn quốc tế để đưa vào làm thước đo, tổ chức đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Chúng ta không thể đưa ra chuẩn riêng của chúng ta bởi nếu đào tạo không gắn với thị trường, khi triển khai sẽ có vô vàn khó khăn, vướng mắc" - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Theo ông Quân, rào cản hiện nay là trình độ ngoại ngữ của người học; năng lực của giảng viên từ nước ngoài sang hỗ trợ và giảng viên Việt Nam sang Úc học tập kinh nghiệm; đầu mối cán bộ quản lý từ cấp cơ sở, đến cấp tổng cục khi triển khai chương trình còn nhiều lúng túng. Ông Quân cho rằng, việc đào tạo chuẩn quốc tế không phải để cung ứng nhân lực cho quốc tế, mà các chuẩn đó phải đáp ứng được nhu cầu  ngoài nước cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, phù hợp với điều kiện của Nhà trường và người học.

"Việc đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Úc chỉ là bước khởi đầu của sự chuyển giao, thí điểm 1 khóa và đích đến cuối cùng là sự lan tỏa, nhân rộng chương trình trên diện rộng mà các trường có thể làm chủ được với sự hỗ trợ tiếp tục của các đối tác quốc tế, đặc biệt là của học viện Chisholm" - Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem