Nặng gánh nỗi lo nợ nần

Thứ hai, ngày 28/02/2011 07:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những giọt nước mắt vỡ òa trong niềm vui vô bờ của các gia đình có lao động ở Libya về Việt Nam. Nhưng trong niềm vui đó vẫn còn rất nhiều những nỗi lo, trong đó có những khoản nợ còn đè nặng trên vai.
Bình luận 0

Niềm vui vô biên

Cho đến 17 giờ ngày 27.2, rất nhiều lao động Việt Nam đã trở về với gia đình. Gọi điện cho chúng tôi, anh Đỗ Quang Tin (Nam Sách, Hải Dương) vui vẻ: "Về đến nhà, thấy tôi vẫn khỏe mạnh cả nhà rất vui. Kể chuyện về những ngày vất vả ở Lybia không ít người rơi nước mắt thông cảm. Họ hàng, bạn bè kéo đến hỏi han rất đông”.

img
Về đến quê nhà nhưng những nỗi lo vẫn hiện hữu trên khuôn mặt những lao động về từ Libya

Anh Võ Văn Quyền (Nam Đàn, Nghệ An), cho biết, bước xuống sân bay Nội Bài trong người anh không còn đồng nào. Thậm chí gọi điện về để báo tin cho gia đình cũng phải nhờ điện thoại của người khác. Được Công ty Vinaconex Mex hỗ trợ trước mắt 1 triệu đồng, Quyền tức tốc về quê để gia đình khỏi mong.

Chưa hết bàng hoàng, Quyền chia sẻ: "Đã có lúc em không tin mình sẽ về được với gia đình. Những ngày cuối cùng của bọn em ở Lybia, tình hình phức tạp vô cùng. Mọi thứ ăn ở, sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào ông chủ người Bồ Đào Nha. Em khó có thể quên được hình ảnh hàng ngàn người nằm, ngồi vật vạ ở khắp thành phố Tripoli. Trong đó có nhiều người trên người bầm tím vì dấu vết của việc bị đánh đập, hành hung".

Chúng tôi gặp Đỗ Văn Dương (quê Chư Prông, Gia Lai), khi Dương đang ở bến xe khách bắt xe về Gia Lai. Dương cho biết, từ hôm qua đến giờ, Dương chỉ mong hoàn thành nhanh các thủ tục cần thiết và nhận tiền hỗ trợ từ Vinaconex Mex để có thể về quê.

"Gia đình đang mong em về từng ngày. Bố mẹ gọi điện cho em suốt, bảo tìm cách về nhà nhanh nhất. Nhưng giờ cả tài sản của em chỉ có đúng 1 triệu đồng, đi máy bay thì không đủ. Chỉ có đi xe khách".

Còn đó những nỗi lo

Bên cạnh niềm vui được đoàn tụ, nhiều lao động cũng đang phải đối mặt với những nỗi lo. Đỗ Quang Tin cho biết, lúc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Lybia, anh đã phải vay ngân hàng 35 triệu đồng để đóng phí. Đến bây giờ, sau hơn 4 tháng, số tiền anh gửi về gia đình chưa đáng là bao, trong khi tiền vay ngân hàng sắp sửa đến hạn thanh toán.

BIDV hỗ trợ 3 tỷ đồng để sơ tán lao động Việt Nam

Ngày 27.2, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đăng ký ủng hộ Chương trình sơ tán người Việt Nam ở Libya 3 tỷ đồng. Đây là số tiền mà cán bộ nhân viên của BIDV đã quyên góp để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.

"Lúc đi XKLĐ mang theo bao hy vọng, bây giờ trở về phải đối mặt với muôn vàn những vấn đề. Tiền chẳng còn đồng nào. Nợ nần thì sắp phải trả. Bên phía Công ty Vinaconex Mex chỉ hứa là sẽ bồi thường cho người lao động chúng tôi theo đúng pháp luật. Tôi cũng không hiểu rõ là mình sẽ được nhận bao nhiêu - anh Tin chia sẻ.

Lao động Đỗ Văn Dương cho biết, trước mắt, khi về nhà, anh sẽ phải vay mượn từ người thân để trả số tiền hơn 20 triệu đồng mà anh đang vay ngân hàng. Rồi đợi tiền từ Công ty Vinaconex Mex, hi vọng số tiền đó sẽ thanh toán đủ trang trải một ít nợ nần.

"Sau khi về Gia Lai em sẽ phải tìm việc để sống qua ngày. Quả thực tình trạng của em đang vô cùng bế tắc. Thậm chí bây giờ tình hình Lybia ổn định trở lại em cũng sẽ xin trở lại làm việc để mà trả nợ".

Thấp thỏm chờ người thân

Sáng 27.2, PV NTNN đã trực tiếp về các gia đình ở Hà Tĩnh có người thân đi lao động tại Libya. Ông Hoàng Xuân Thắng ở xóm 5 xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc cho biết: “Con tui là Hoàng Xuân Sự (SN 1975) vừa sang Libya làm việc chưa đầy 3 tháng, hơn một tuần nay không liên lạc được với con, không biết nó có an toàn không. Chúng tôi đang như ngồi trên đống lửa”.

Cách nhà ông Thắng không xa là hoàn cảnh đáng thương của chị Thái Thị Chung - có chồng là anh Phan Bá Hoạt (SN 1975) đi lao động ở Libya được hơn 1 năm nay. Sau khi biết tin tình hình bất an ở Libya, chị Chung đã nhiều lần liên lạc điện thoại cho chồng nhưng không được.

Sáng 26.2, chị Chung đã bắt xe ra Hà Nội đến công ty môi giới hỏi tin tức chồng, để ba đứa con thơ ở nhà. Khi chúng tôi đến nhà chị Chung, đứa con đầu là cháu Hoàng Bá Linh (14 tuổi) đang lủi thủi thổi bếp để nấu cơm sáng. Cháu Linh cho biết: “Bố cháu đi Lybia làm thợ nề, nghe mẹ nói mỗi tháng bố gửi về 4 triệu đồng. Bố cháu có chuyện gì thì mẹ con cháu chắc không biết sống thế nào”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng tại xã Sơn Lộc có gần 20 người đi lao động tại Libya đến nay vẫn chưa về nước khiến người thân sống thấp thỏm lo âu.

Đến chiều 27.2, đã có một số lao động từ Libya trở về quê ở Hà Tĩnh. Qua điện thoại, lao động Trần Văn Tiến (SN 1978) ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh là 1/175 người có mặt đầu tiên trên chuyến bay từ Libya về Việt Nam, cho biết: “Tui sang Libya làm thợ lái máy lu cho Công ty AG, lương tháng 350 USD, đã làm được 15 tháng. Lúc xảy ra hoạn nạn, nơi tôi làm cách vùng bạo loạn không xa, rất may Công ty AG đã dàn xếp máy bay chuyến sớm nhất để người lao động Việt Nam trở về nước. Bây giờ về đến Việt Nam là sống sót rồi”.

950 lao động Việt Nam đã về nước

Bộ LĐTBXH cho biết, trong ngày hôm qua (27.2), đã có có thêm 523 lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước. Tính đến 22 giờ tối qua, tổng cộng đã có 950 lao động trở về an toàn. Ông Lê Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề công dân Việt Nam ở Libya vẫn quyết định điều chuyên cơ sang Ai Cập do ở đây đang có khoảng 300 lao động và dự kiến ngày 27.2 thêm khoảng 1.000 lao động sẽ sang đất nước này”. Tối nay 28.2, Chính phủ Việt Nam sẽ điều chuyên cơ sang Ai Cập đón lao động Việt Nam về nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem