Tưởng chừng chỉ là loài cây dại, nhưng vừa qua cây vú bò và ngọc cẩu đã có “danh xưng khoa học”. Người mang lại “danh phận” cho hai cây thuốc quý Việt Nam này chính là giảng viên Hóa học Trần Đức Đại, trường Đại học Tân Trào.
Anh Trần Đức Đại được thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, người thân chúc mừngđã bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ.
Chàng trai ham học
Hồi ở trường làng xã Thắng Quân (Yên Sơn), Trần Đức Đại tỏ rõ là chàng trai có ý chí vượt khó, ham học. Anh có năng khiếu nhất ở những bộ môn khoa học tự nhiên. Với dáng người thấp bé nhẹ cân, ước mơ thi vào trường quân sự, công an của anh gần như không tưởng. Hơi buồn nhưng không nản, Đại quyết tâm chuyển hướng thi vào Khoa Hóa - Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Chính cái “nôi” này đã chắp cánh cho anh trở thành một nhà khoa học. Nghĩ lại ngày ấy, Đại tâm sự: “Em quả là may mắn khi chọn chuyên ngành Hóa học, bởi chuyên ngành này hợp với sở trường của em. Càng học em càng nhận ra tính ứng dụng thực tiễn của hóa học trong đời sống. Ngay từ hồi sinh viên, niềm đam mê nghiên cứu hóa học trong em đã “trỗi dậy” với việc “Chế tạo bình điện phân đa năng” và giành giải A Cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Đại học Thái Nguyên”.
Tiến sỹ Trần Đức Đại lên rừng tìm cây vú bò để nghiên cứu, bào chế ra các bài thuốc nam quý.
Sau 4 năm miệt mài đèn sách, ra trường Đại có ý định xin dạy học ở một trường gần nhà, thời gian rảnh sẽ hỗ trợ bố làm thêm nghề bốc thuốc nam. Nhưng anh lại được phân công lên làm giáo viên, rồi kiêm Bí thư Đoàn ở trường THPT Thượng Lâm (Lâm Bình). Mới đầu lên vùng cao dạy học, Đại hơi bị “sốc” vì con đường đi lại gian nan quá, mọi thứ xây dựng huyện mới vẫn đang còn ngổn ngang.
Song nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” giúp Đại trụ vững 5 năm trên rẻo cao. Nhờ có tinh thần và thành tích tốt trong công tác, một lần nữa anh được cấp trên xem xét, điều chuyển về dạy ở Khoa Tự nhiên - Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, nay là Đại học Tân Trào.
Được dạy học ở một ngôi trường sư phạm hàng đầu của tỉnh, Đại lại càng nung nấu ý chí học lên thạc sỹ chuyên ngành Hóa hữu cơ tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Từ khóa học thạc sỹ này, Đại đã bén duyên cùng người vợ, hiện chị đang giảng dạy tại trường THPT Việt Lâm (Hà Giang). Mỗi người công tác một nơi, con thì còn nhỏ, đây là khó khăn nhất đối với một người cần có thời gian làm khoa học như Đại.
Mới chân ướt chân ráo xong khóa học thạc sỹ, Đại lại tiếp tục xin đi học tiến sỹ tại Viện Hóa học - Viện Khoa học và Công nghệ - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Một mình thuê nhà trọ để học, sớm khuya anh vùi đầu vào các nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm. |
Cuối tháng 3 vừa qua tại Học Viện Khoa học và Công nghệ, anh Đại đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ của mình với đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của hai loài ngọc cẩu và vú bò”. Hội đồng khoa học, chuyên gia phản biện đánh giá cao tính khoa học, thực tiễn của đề tài.
Qua nghiên cứu, anh Đại đã dùng phương pháp chiết tách, phương pháp xác định cấu trúc, phương pháp thử hoạt tính sinh học. Các kết quả của luận án đã thực hiện được mục tiêu ngoài mong đợi, trong tổng số 31 hợp chất được anh Đại tách ra, có 2 hợp chất mới. Như vậy, Trần Đức Đại đã trở thành Tiến sỹ Hóa học duy nhất đang công tác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Khi hỏi tại sao lại chọn đề tài này, Đại cười nói, Bác Hồ đã dạy: “Học phải đi đôi với hành”, chuyên ngành của anh lựa chọn có tính ứng dụng cao, vì vậy ngoài kiến thức chuyên môn, sự mày mò nghiên cứu, anh còn thường xuyên quan sát, tìm hiểu để lựa chọn và thực hiện được đề tài mang lại hiệu quả thực tế, giúp ích trong cuộc sống.
Vú bò, ngọc cẩu là hai cây thuốc trong dân gian được đông y dùng kết hợp chữa trị bệnh thông thường, nan y hiệu quả như bổ máu, phục hồi sức khỏe phụ nữ sau sinh, kích thích ngon miệng, chữa đau bụng, nhức mỏi chân tay, kháng viêm, kháng ung thư, chống ô xy hóa, thuốc bổ sinh lý nam nữ, giải độc rượu, chữa bệnh trĩ, dạ dày, ho gà, bệnh lậu, giang mai...
Tuy nhiên, để biết hai loài trên có những thành phần hóa học và hoạt tính sinh học gì, thì câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Qua sàng lọc hàng nghìn cây thuốc, thấy cây ngọc cẩu và vú bò chưa có ai nghiên cứu, hơn nữa tính ứng dụng cao nên anh đã quyết định theo đuổi đề tài.
Tranh thủ những ngày nghỉ, Đại lại lên ô tô về quê thăm gia đình. Mọi người lại bắt gặp anh rong ruổi từ quả đồi nọ sang quả đồi kia để tìm cây vú bò, ngọc cẩu. Đây là hai loài cây phân bố khá nhiều ở Tuyên Quang. Mẫu cây ngọc cẩu, vú bò tìm được giúp Đại làm hàng trăm thí nghiệm lớn nhỏ. Các chất hóa học tìm ra được sẽ là tiền đề giúp các nhà dược học bào chế các loại thuốc. Thành công bước đầu này góp phần tạo động lực cho Đại trên con đường nghiên cứu khoa học tiếp theo của mình.
Cây nấm ngọc cẩu đực-loài dược liệu được Tiến sỹ Trần Đức Đại nghiên cứu các thành phần hóa học, hợp chất, dược chất...
Sắp tới đây, Đại học Tân Trào sẽ mở mã ngành Hóa dược mới. Đây là lĩnh vực anh Đại quan tâm và muốn dồn tâm huyết của mình vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Trước mắt anh tiếp nối các công trình nghiên cứu về các bài thuốc nam của cha mình, đó là thầy thuốc có tiếng Trần Đức Trịnh - người đã hơn 40 năm say mê nghiên cứu các bài thuốc nam, gần 30 năm hành nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người.
Ông Trịnh chữa tốt các bệnh liên quan đến gan, xương khớp, vô sinh, đường ruột, đột quỵ, tai biến mạch máu não, tuyến tụy, thận, máu nhiễm mỡ, viêm xoang, u nang, tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo được ông chữa khỏi hay kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân, được mọi người đánh giá cao. Các bài thuốc được ông đúc kết, tự viết trong cuốn sách “Nam y dược bệnh chương” nhằm truyền lại cho con cháu sau này, tiếp nối con đường ông đã chọn.
Ông Trịnh tâm sự, không gì hạnh phúc hơn khi các con theo được nghề của bố. Ông rất tự hào về người con trai của mình, người sẽ đưa các bài thuốc nam quý phổ biến rộng rãi ra công chúng. Tiến sỹ Trần Đức Đại sẽ giúp ông bắt tay vào nghiên cứu, bào chế ra một số sản phẩm thuốc nam đóng vỉ, thuận lợi cho việc sử dụng, dễ dàng vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
Ông Trần Đức Trịnh kỳ vọng vào một ngày khi thuốc nam gia truyền được sản xuất trên quy mô lớn, cây thuốc nam sẽ được trồng đại trà, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn, đây là lĩnh vực có thế mạnh của Tuyên Quang. Trong cuộc sống, ông Trịnh vẫn dạy các con, các cháu luôn học tập tấm gương của Bác Hồ về tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, tự học, tự rèn luyện vươn lên trở thành những công dân có ích. |
Quang Hòa (Báo Tuyên Quang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.