Cần phân biệt cây tầm bóp và cây lu lu đực-1 loài cây có độc

Thứ hai, ngày 14/08/2017 19:40 PM (GMT+7)
Ở Tuyên Quang, nhiều gia đình, nhà hàng hiện nay đều sử dụng cây lu lu đực làm rau ăn với cách chế biến là để nấu canh hoặc dùng làm rau ăn kèm với món lẩu. Tuy được sử dụng nhiều nhưng rất ít người phân biệt được rau lu lu đực và rau tầm bóp mà thường nhầm lẫn giữa 2 loại rau này hoặc cho rằng nó đều là cây tầm bóp.
Bình luận 0

Vừa qua, nhiều cơ quan thông tin đại chúng loan tin bên Nhật Bản bán 700.000 đồng/kg quả tầm bóp gây xôn xao. Nhiều người vẫn nhầm cây tầm bóp với cây lu lu đực. 

img

Cây tầm bóp.

Cây tầm bóp ở Tuyên Quang mọc hoang ở tất cả mọi nơi. Theo Đông y đây là cây thân thảo, cao từ 50 - 90 cm, có nhiều cành nhánh. Lá tầm bóp mọc so le, hình bầu dục, chia thùy hoặc không. Hoa tầm bóp mọc đơn độc, có cuống mảnh. Quả của cây có hình tròn nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp vỏ mỏng, giống hình lồng đèn nên ở một vài nơi, tầm bóp còn được gọi là cây đèn lồng hay thù lù cạnh. Khi bóp quả tầm bóp, vỏ bọc của quả bị thủng sẽ phát ra tiếng nổ nhỏ, đặc điểm này cũng là nét đặc trưng riêng của cây và giúp mọi người dễ dàng phân biệt.

Khi chín quả sẽ có màu đỏ rất đẹp, vị hơi chua, có thể dùng để ăn, làm thuốc chữa bệnh. Cây tầm bóp vị đắng, tính mát, không độc, có thể chế biến thành nhiều món ăn và đều mang đến hương vị rất lạ, thanh và mát. Vì tính mát của rau nên rau có hiệu quả rất tốt cho việc chữa trị các bệnh dạ dày, giải nhiệt và trị mụn nhọt.

Loại cây hay bị nhầm lẫn với tầm bóp là lu lu đực bởi có nhiều đặc điểm về hình thái thân và lá khá giống nhau. Bác sỹ Ngô Văn Hoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Tất Lợi, cây lu lu đực có tên khác là thù lù đực, gia cầu, nút áo, cà đen, long quỳ. Đây là cây thảo cao 30 - 100 cm, sống hằng năm hoặc lâu năm, có thân phân cành, lá nguyên, hình trái xoan nhọn, thuôn dần thành cuống; phiến hơi phân thùy hay có góc. Quả nang tròn, lúc còn non có màu lục sau chuyển sang màu vàng hay đỏ, khi chín hẳn có màu đen, chứa nhiều hạt dẹp. Cây ra hoa vào mùa thu.

imgCây lu lu đực.

Cây lu lu đực có vị đắng, hơi ngọt, tính hàn, có ít độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu. Vì có chứa các hoạt chất alkaloid như: Steroid, solanine, solasonine, solamargine, chaconine, đặc biệt là trong các quả non nên loài cây này thường được phân loại là một cây có độc. Tuy nhiên, những hoạt chất này có hàm lượng rất nhỏ, không gây chết người và các biến chứng nguy hiểm, chính vì vậy quả chín và ngọn lá non được dùng làm rau ở một số nơi. Muốn sử dụng làm rau ăn nên luộc qua nước sôi trước khi sử dụng, sẽ làm phân hủy các chất độc. 

Thời gian gần đây, cây tầm bóp đang thu hút sự chú ý của nhiều người do trên mạng xã hội facebook của du học sinh và người lao động Việt Nam ở Nhật Bản đăng tải bức ảnh chụp một khay tầm bóp. Bức ảnh cho thấy một khay quả tầm bóp được đóng gói với trọng lượng 100gr và được bán với giá 338 yên, tương đương khoảng 70.000 Việt Nam đồng, tính ra 1kg quả có giá lên tới 700.000 Việt Nam đồng. 

Chị Vũ Quỳnh Ngân, tổ 26, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang), du học sinh theo học tại Viện Nhật ngữ Musashi Urawa, Saitama, Nhật Bản nói, mức giá trên ở Nhật là có thật và họ mua loại quả này về để ăn. Quả được bán trong siêu thị đều là quả nội địa của Nhật chứ không phải nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên chị không thấy nhiều người ở đây ăn loại quả này và nó cũng không phổ biến như một loại trái cây ăn hàng ngày. Nếu so sánh với Việt Nam thì mức giá này thật sự đắt đỏ, bản thân chị cũng thấy rất ngạc nhiên. 

Nhiều người dân thấy bất ngờ với thông tin này nên cũng đã chủ động tìm hiểu, chị Nguyễn Thanh Loan, tổ 2, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) chia sẻ, tầm bóp là một loại cây rất quen thuộc, thế nhưng chị chưa từng ăn quả của nó. Khi thấy cây được rao bán tại Nhật Bản với mức giá cao như vậy chị đã đi tìm để ăn thử nhưng khá khó ăn. Trên các diễn đàn, trang mạng dành cho phụ nữ ở trên internet ... mọi người cũng vào thảo luận vì mức giá cao của nó ở nước ngoài chứ không ai có ý định trồng để bán hay đi tìm mua về để ăn.

Trước nhiều nguồn thông tin, người dân cần chú ý phân biệt hai loại cây này với nhau để có thể sử dụng chúng một cách hợp lý, linh hoạt. Tuy nhiên, đối với cây lu lu đực có thể sử dụng làm thực phẩm nhưng cần chế biến kỹ hơn để loại bỏ độc tố, đảm bảo sức khỏe cho người dùng.

Hoàng Minh (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem