Nắng nóng gay gắt tại TP.HCM: Nhiệt độ hôm nay bao nhiêu độ C?

Quang Dương Thứ năm, ngày 11/04/2024 10:45 AM (GMT+7)
Nắng nóng tại TP.HCM tiếp tục gay gắt, cảm giác khi di chuyển ngoài đường rất oi bức và chưa có xu hướng giảm trong những ngày tới.
Bình luận 0

Kết quả dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho thấy, trong 24h và 48h tới, nắng nóng xảy ra diện rộng, miền Đông có nắng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. 

Riêng TP.HCM được dự báo ngày 11/4, nhiệt độ cao nhất dao động từ 37-39 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất từ 30-40%. Đến ngày 12/4, tình hình nắng nóng tại TP.HCM vẫn tiếp tục, chưa có dấu hiệu giảm.

Nắng nóng gay gắt tại TP.HCM: Nhiệt độ hôm nay bao nhiêu độ C?- Ảnh 1.

Nắng nóng tại TP.HCM khiến người dân vất vả mỗi khi ra đường. Ảnh: Quang Sung

Với nền nhiệt được dự báo, người dân TP.HCM khi ra đường vào giờ trưa, sẽ cảm nhận được cái nóng gay gắt. Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa, phương tiện giao thông…

Thời tiết nắng nóng, những bóng cây xanh, gầm cầu, quán cà phê… trở thành nơi tránh nóng của người dân TP.HCM.

“Nắng nóng như thế này đi ngoài đường rất vất vả. Mỗi khi dừng đèn đỏ mà không có bóng cây là thấy nóng chịu không nổi. Nắng nóng, cộng với tình trạng xe cộ đông đúc làm không khí trên đường lúc nào cũng oi bức, ngột ngạt”, anh Minh Huy, người đi từ quận Gò Vấp sang quận 1, TP.HCM, cho biết.

Nắng nóng gay gắt tại TP.HCM: Nhiệt độ hôm nay bao nhiêu độ C?- Ảnh 3.

Những bóng cây xanh trở thành điểm lý tưởng để tránh nắng. Ảnh: Quang Dương

Theo Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, do thời tiết nắng nóng kéo dài, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố trong những ngày đầu tháng 4 liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023.

Cụ thể, ngày 3/4 đạt 95,12 triệu kWh, ngày 4/4: 95,17 triệu kWh, ngày 5/4: 96,89 triệu kWh. Trong khi đó, ngày tiêu thụ điện cao nhất của năm 2023 là 94,8 triệu (ngày 6/5/2023). Nếu mọi năm, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, sản lượng tiêu thụ điện mới đạt cao nhất thì năm nay mới đầu tháng 4, ngày tiêu thụ điện cao nhất đã đạt 96,89 triệu kWh/ngày, Pmax (công suất) đạt gần 4.750 MW, cao nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ Y tế, vào mùa nắng nóng kéo dài, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. 

Nguyên nhân chủ yếu là do người dân phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Một số đối tượng có nguy cơ cao xảy ra các vấn đề về sức khỏe mùa nắng nóng như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai..., hay những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức như người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép...

Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường... cũng có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khỏe do nắng nóng.

Nắng nóng gay gắt tại TP.HCM: Nhiệt độ hôm nay bao nhiêu độ C?- Ảnh 4.

Mỗi khi dừng đèn đỏ, nắng nóng khiến người đi đường mệt mỏi. Ảnh: Quang Dương

Theo Bộ Y tế, biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Cụ thể, mức độ nhẹ như mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Mức độ nặng như đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt, …) và có thể tử vong.

Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, người dân cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo người dân, cần hạn chế đi ra ngoài trời nắng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột, mà cần có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi và cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi.

Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem