Nâng tầm thương hiệu “CheBlao”

Thứ ba, ngày 19/10/2010 05:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc nâng tầm ảnh hưởng của thương hiệu chè Việt Nam – “CheViet” – đang là mối quan tâm của cả nước. Ở phạm vi Tây Nguyên, thương hiệu “CheBlao” cũng là vấn đề rất đáng được lưu ý.
Bình luận 0
img
Chè Blao( Lâm Đồng)đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu sản phẩm và gắn logo thương hiệu

Blao (tên gọi khác của TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) – “kinh đô” trà của Nam Tây Nguyên – chiếm một vị trí rất quan trọng trong “làng chè” Việt Nam. Sau nhiều năm xây dựng quy chế quản lý và sử dụng, mới đây, thương hiệu “Che Blao” đã chính thức được công nhận nhãn hiệu sản phẩm và được gắn logo thương hiệu.

Những cái nhất

Từ lâu, chè Blao vốn đã khá nổi tiếng cả trong và ngoài nước với các thương hiệu như Quốc Thái, Đỗ Hữu, Thiên Thành, Thiên Hương, Trâm Anh, Tâm Châu…

Thử đưa ra vài số liệu về những cái nhất khác của cây chè Lâm Đồng để hiểu thêm giá trị cây chè Bảo Lộc. Xét về diện tích, năng suất và sản lượng thì Lâm Đồng chính là vựa chè lớn nhất nước với 27.000ha trong tổng số 125.000ha (21%), năng suất bình quân đạt 90 tạ/ha – cao nhất nước, sản lượng 170.000 tấn (chiếm 27%). Thu nhập trên mỗi hecta chè của Bảo Lộc nói riêng và Lâm Đồng đạt đến con số 280 triệu đồng – cao nhất nước. Lâm Đồng còn là địa phương có doanh nghiệp đầu tiên áp dụng công nghệ sinh học để làm ra sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…

Nói cách khác, sản phẩm chè Việt phụ thuộc rất lớn vào sản phẩm chè Blao – Lâm Đồng. Bởi vậy, thương hiệu “CheViet” phụ thuộc không nhỏ vào thương hiệu “CheBlao” mà tỉnh Lâm Đồng bỏ nhiều công sức để xây dựng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, vấn đề đáng ngạc nhiên hiện nay là, thương hiệu “CheViet” lại ít được các quốc gia trên toàn cầu biết đến, trong khi Việt Nam lại là nước xuất khẩu trà lớn thứ 7 trên thế giới.

Trọng trách thuộc về... “CheBlao”

Chính vì lý do đó mà thương hiệu “CheBlao” phải gánh trọng trách trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của thương hiệu “CheViet” trên các thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

Thực tế trong những năm gần đây, trên địa bàn thị xã Bảo Lộc (cũ), ngoài việc xây dựng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu chè sạch theo hướng GAP, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến trà cũng đã không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện sản xuất an toàn từ khâu nhập nguyên liệu đến quy trình đóng gói và tiêu thụ sản phẩm.

Gần đây có không ít doanh nghiệp sản xuất trà ở Bảo Lộc đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, lắp đặt dây chuyền sản xuất đúng tiêu chuẩn và đã nghiêm túc thực hiện theo đúng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Có thể nói, việc được công nhận nhãn hiệu và được gắn logo sản phẩm vừa là cơ hội nhưng đồng thời đó cũng vừa là thách thức đối với tất cả các nhà vườn và các nhà sản xuất và kinh doanh trà Blao đứng chân trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.

Cơ hội là vì từ nay, hàng ngàn nông dân trồng chè và hàng trăm doanh nghiệp chế biến trà trên địa bàn Bảo Lộc đã có thương hiệu chè đặc trưng của địa phương mình nên trong giao dịch sẽ được thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, thách thức đi kèm theo đó là, để giữ vững thương hiệu thì ngay những người trồng đến người chế biến nguyên liệu để có sản phẩm trà mang nhãn hiệu “CheBlao” phải không ngừng tự đầu tư trang thiết bị để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để đưa thương hiệu trà Blao đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại thuộc các thương hiệu mạnh trong nước để tiến xa hơn nữa trên con đường vươn ra thị trường thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem