NATO vươn ra xa

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ sáu, ngày 10/02/2023 13:22 PM (GMT+7)
Một thời kỳ mới đã được mở ra cho mối quan hệ hợp tác giữa Nato với Nhật Bản và Hàn Quốc khi tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg tới thăm hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này.
Bình luận 0
NATO vươn ra xa  - Ảnh 1.

NATO.

Lâu nay, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ và Mỹ là thành viên chủ chốt của NATO, luôn đảm trách vai trò lãnh đạo NATO. Như thế đâu có khác gì NATO và Nhật Bản, Hàn Quốc luôn bất cứ khi nào cũng đều có thể dễ dàng trở nên cùng thuyền trong chính trị an ninh thế giới nói chung. 

Chỉ có điều là cho tới nay, NATO với Nhật Bản và Hàn Quốc chưa đặt vấn đề và cũng chưa có nhu cầu cấp thiết về dựng chung thuyền và trở thành cùng hội. NATO quan tâm gần như hoàn toàn tới châu Âu trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc dựa vào Mỹ chứ không cần đến NATO. Nhưng nay đã khác trước đối với cả 3 đối tác này về an ninh và chính trị thế giới.

Ông Stoltenberg bây giờ công du Nhật Bản và Hàn Quốc để cùng Nhật Bản và Hàn Quốc mở ra thời kỳ bộ ba này trở nên cùng hội, cùng thuyền với nhau. Họ có lợi ích chung nhưng đồng thời cũng theo đuổi những mưu tính chiến lược riêng.

NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã xác định một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu là đôi phó Trung Quốc và nghi ngại cao độ về sự liên thủ giữa Trung Quốc và Nga. Vì thế, họ tìm kiếm sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động. 

NATO hiện muốn tập hợp lực lượng trên thế giới để đối phó Nga ở châu Âu và trong cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần sự hậu thuẫn và đồng hành của các đối tác bên ngoài khu vực Đông Bắc Á để đối phó chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều đã đưa ra chiến lược quốc phòng và an ninh cũng như chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả hai đều nhằm mục đích gây dựng vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh khu vực, châu lục và thế giới to lớn hơn và nổi bật hơn.

 Mỹ là đồng minh trụ cột của họ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khi NATO là cửa ngõ giúp họ tiếp cận và chinh phục châu Âu. Trong khi đó, ngay từ thời trước khi bùng phát cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, NATO đã tìm kiếm mọi cơ hội để gây dựng vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng ở cả bên ngoài phạm vi lãnh thổ các nước thành viên. 

NATO cần có đối thủ mới để tiếp tục tồn tại và không gian hoạt động mới do châu Âu đã trở nên quá bé, hẹp. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thu hút sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

 Mọi cấu trúc và trật tự chung về tất cả các phương diện hiện đều trong quá trình tự định hình hoặc đang được gây dựng. Khu vực lớn này vì thế thích hợp đến mức lý tưởng về đáp ứng mhu cầu cấp thiết của NATO. 

Những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở khu vực này như Hàn Quốc và Nhật Bản chẳng phải xứng đáng là những đối tác mở cổng cửa lý tưởng cho NATO tiếp cận và chinh phục khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay sao?

NATO còn có lý do nữa thôi thúc NATO liên thủ với Hàn Quốc và Nhật Bản. Cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine đã đưa NATO tới nhận thức rằng NATO còn có thể phát huy vai trò và gia tăng ảnh hưởng khi không những chỉ đảm bảo an ninh cho các thành viên trong khuôn khổ lãnh thổ quốc gia của họ mà còn cả khi giúp các thành viên này bảo vệ và thực hiện lợi ích chiến lược của họ ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia của họ. 

Các thành viên này đều phải giải quyết nhiều vấn đề riêng với Trung Quốc và Nga, đều có chủ ý khai thác tiềm năng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hàn Quốc và Nhật Bản rất đắc dụng cho NATO trong việc này. NATO hiện rất bận rộn với chuyện chiến tranh ở Ukraine, hậu thuẫn Ukraine và đối địch Nga. Nhưng xem ra, NATO đã có ý chuẩn bị sẵn sàng cho thời sau khi cuộc chiến tranh ấy kết thúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem