Phát biểu hôm 2/2, ông Soylu cho biết: "Vào ngày chúng tôi công bố mục tiêu thu hút 60 triệu khách du lịch mỗi năm, họ đã bắt đầu chiến tranh tâm lý chống lại Thổ Nhĩ Kỳ".
Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ và một số quốc gia khác cũng công bố quyết định tạm thời đóng cửa lãnh sự quán của họ ở Istanbul, với lý do có mối đe dọa khủng bố.
Ngày 27/1, cơ quan ngoại giao Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo công dân của mình về "các cuộc tấn công trả đũa sắp xảy ra của những kẻ khủng bố" nhắm vào các địa điểm thờ phụng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Washington, rủi ro an ninh tăng cao là do lo ngại về sự trả thù của những kẻ cực đoan "sau các vụ đốt kinh Koran gần đây ở châu Âu".
Các lãnh sự quán của Hà Lan, Anh, Bỉ, Đức và Pháp tại Istanbul đã tuyên bố đóng cửa tạm thời vì lý do an ninh một thời gian ngắn sau đó.
Ông Soylu cũng chỉ ra rằng Mỹ tiếp tục hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd (YPG), lực lượng mà Ankara nghi ngờ đứng sau vụ tấn công khủng bố chết người ở Istanbul vào tháng 11 năm ngoái.
Mối quan hệ giữa Ankara và phương Tây gần đây trở nên xấu đi, sau vụ đốt kinh Koran của chính trị gia cực hữu người Đan Mạch gốc Thụy Điển Rasmus Paludan vào cuối tháng trước. Chính quyền Thụy Điển đã không ngăn chặn cuộc biểu tình vào thời điểm đó, với lý do tự do ngôn luận.
Sau cuộc biểu tình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rõ rằng Ankara sẽ không ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển. Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin trở thành thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu vào tháng 5 năm ngoái để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine. Đơn gia nhập cần có sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên NATO, và hiện vẫn đang ở tình trạng lấp lửng.
Khi đặt ra các điều kiện để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu hai quốc gia ngừng hỗ trợ cho các nhóm mà Ankara coi là khủng bố, dẫn độ các nghi phạm khủng bố và chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.