Asanzo nói “không liên quan” (?)
Cụ thể, theo thông báo phát đi, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo khẳng định “không có quan hệ gì đến Công ty Sa Huỳnh”.
Cụ thể, thông báo ghi rõ: “Liên quan đến bài báo Khởi tố công ty Sa Huỳnh mà báo Tuổi Trẻ đưa hôm nay, Asanzo Việt Nam chúng tôi đã giải trình trước với các cơ quan chức năng với các nội dung chính như sau: Chúng tôi không hề có quan hệ thương mại hay sở hữu gì với công ty Sa Huỳnh, việc Sa Huỳnh sử dụng tên Asanzo trên các sản phẩm nhập khẩu của họ là vi phạm thương hiệu của chúng tôi; 14 công ty được đề cập trong bài (14 công ty nhập hàng hóa, linh kiện nhãn hiệu Asanzo đều biến mất, ngưng hoạt động, địa chỉ ảo...-PV) là đối tác thương mại của Asanzo, nhưng là những pháp nhân riêng biệt, không có quan hệ sở hữu với Công ty CP Tập đoàn Asanzo; Trong thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã hoàn toàn hợp tác với các cơ quan chức năng đến làm việc và sẽ tiếp tục hợp tác cho đến khi có kết luận cuối cùng”.
Asanzo thông báo trên cả trang fanpage.
Asanzo cũng khẳng định “Tin tưởng vào sự khách quan của các cơ quan chức năng và sự công bằng của dư luận, và sẽ làm mọi việc để bảo vệ uy tín thương hiệu Asanzo của mình”.
Ông chủ thực sự của Sa Huỳnh là ai?
Theo tìm hiểu, Công ty Sa Huỳnh đăng ký kinh doanh tại số 861/27/39 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Quận 7 (TP.HCM) nhưng qua xác nhận, đây là địa chỉ ảo, công ty “ma”.
Giấy đăng ký kinh doanh, người đại diện pháp luật của Công ty Sa Huỳnh ban đầu là Huỳnh Thị Sà Quôl (sinh năm 1981, quê Sóc Trăng).
Làm việc với cơ quan chức năng, chị Sà Quôl khai báo, tháng 6/2018, vợ chồng chị Sà Quôl lên thành phố Hồ Chí Minh xin vào làm việc trong nhà máy của Công ty CP Tập đoàn Asanzo tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Công việc của chị là khui thùng caron lấy ốp lưng tivi nhập khẩu phân loại, chuyển cho bộ phận lắp ráp.
Người quản lý của Asanzo tại đây yêu cầu chị Sà Quôl đưa bản chính chứng minh thư nhân dân để “làm thẻ trả lương” nhưng sau đó chị Sà Quôl biết được chứng minh nhân dân của mình đã bị dùng để mở công ty có tên Công ty Sa Huỳnh. Sau đó, trong quá trình nhập hàng bị Hải quan TP.HCM giữ lại, nhóm người này nhiều lần nhờ chị Sà Quôl lên trình bày, nộp phạt, chị Sà Quôl quá sợ hãi nên bỏ về quê.
Tới ngày 5/10/2018, Sa Huỳnh đổi người đại diện pháp luật là ông Trương Ngọc Liêm. Ông Liêm thừa nhận đã dùng giấy Chứng minh nhân dân của chị Sà Quôl để lập Công ty Sa Huỳnh, chữ ký chị Sà Quôl là giả.
Ngày 7/9/2018, Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra container số hiệu FCIU8689004 do Công ty Sa Huỳnh nhập từ Trung Quốc về cảng IDC Phước Long. Sa Huỳnh khai báo hải quan trong container là linh kiện dùng lắp ráp lò nướng thủy tinh gồm 970 nắp đậy bằng nhựa, 940 chậu lò nướng bằng thủy tinh, 1.180 thiết bị đếm thời gian của lò nướng, tổng giá trị gần 213 triệu đồng. Thế nhưng, kiểm tra thực tế, toàn bộ hàng trong container là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo, trong thùng carton đựng lò nướng còn có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt “Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” kèm số hotline 18001035.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.