Nếu không thể dành 100% thời gian, sức lực thì làm sao có công trình xứng tầm quốc tế?

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 03/03/2023 16:27 PM (GMT+7)
Đại học Quốc gia TP.HCM trao học bổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng giúp học viên cao học, nghiên cứu sinh có thêm kinh phí, động lực để tiếp tục hành trình nghiên cứu khoa học.
Bình luận 0

Ngày 3/3, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức trao học bổng sau đại học năm học 2022-2023 cho 29 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Trong đó, 15 nghiên cứu sinh nhận được học bổng trị giá 75 triệu đồng; 14 học viên cao học nhận học bổng trị giá 25 triệu đồng.

Nếu không toàn tâm làm sao có công trình nghiên cứu xứng tầm

Tại lễ trao học bổng cho học viên cao học, nghiên cứu sinh, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM kể về câu chuyện của bản thân mình khi mới lấy bằng Tiến sĩ ở nước ngoài trở về nước. 

NCKH: Nếu không thể dành 100% thời gian, sức lực thì làm sao có công trình xứng tầm quốc tế? - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Hải Quân tại lễ trao học bổng. Ảnh: MQ

Ông cho biết, thời điểm đó, ông được nhà trường hỗ trợ 60 triệu đồng. Với ông, đây là một gia tài khổng lồ mà không bao giờ ông dám nghĩ rằng mình sẽ có được. Và đó cũng trở thành xuất phát điểm quan trọng để ông có thể đứng vững, trụ vững tại trường, miệt mài làm nghiên cứu và trở thành lãnh đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM như bây giờ.

Ông Quân chia sẻ thêm, ông biết rằng hiện nay có rất nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh phải nỗ lực vừa học, vừa làm để có chi phí nghiên cứu cũng như trang trải cuộc sống. Trong đó, có những bạn phải bươn chải, làm nhiều nghề, đi dạy thêm... vất vả. Từ điều này, ông đặt ra câu hỏi: Nếu không thể dành 100% thời gian, sức lực để nghiên cứu thì làm sao cho ra được công trình nghiên cứu xứng tầm, hoặc hoàn thành chương trình đúng thời gian?

Thấu hiểu điều này, ĐH Quốc gia TP.HCM luôn chia sẻ và đồng hành cùng các học viên cao học, nghiên cứu sinh. Số tiền học bổng đối người này có thể không lớn, nhưng với người khác là cả một gia tài, là cơ hội để để tiếp tục hành trình nghiên cứu.

NCKH: Nếu không thể dành 100% thời gian, sức lực thì làm sao có công trình xứng tầm quốc tế? - Ảnh 3.

PGS.TS Vũ Hải Quân và đại diện Vietcombank (đứng giữa) trao học bổng sau đại học của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: MQ

PGS.TS Vũ Hải Quân thông tin thêm, thời gian qua, ĐH Quốc gia TP.HCM đã có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích học viên cao học, nghiên cứu sinh xuất bản bài báo trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Với chính sách này, năm 2020, ĐH Quốc gia TP.HCM đã xuất bản khoảng 1.600 bài báo trên tạp chí quốc tế; năm 2021 có khoảng 1.800 bài; đến năm 2022, có đến 2.400 bài báo, đưa ĐH Quốc gia trở thành đơn vị đứng đầu cả nước về số bài nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí uy tín quốc tế.

Có người phải dừng lại giữa đường

Trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Song Đức Anh (sinh năm 1994), nghiên cứu sinh ngành Kỹ thuật Vật liệu - ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, anh có thành tích đăng được 4 bài báo trên tạp chí ISI - SCOPUS và 3 bài báo trong nước. 

Vì vừa đi học, vừa đi làm nên Đức Anh không thể toàn tâm để nghiên cứu. Tuy nhiên, Đức Anh cho rằng đây là câu chuyện chung của nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh.

NCKH: Nếu không thể dành 100% thời gian, sức lực thì làm sao có công trình xứng tầm quốc tế? - Ảnh 4.

Các nghiên cứu viên đang nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc. Ảnh: Minh Châu

"Tôi có một người anh đã nghiên cứu sinh được 2 năm nhưng buộc phải bỏ ngang vì không có tiền để tiếp tục nghiên cứu. Tài chính là một vấn đề lớn, nan giải. Nếu có thể giải quyết được vấn đề này, chắc chắn sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu chất lượng, xứng tầm quốc tế", Đức Anh chia sẻ.

Trước việc nhận được học bổng của ĐH Quốc gia TP.HCM, Đức Anh rất hạnh phúc và biết ơn. Vị tiến sĩ trẻ tương cho biết, trong một năm sắp tới, Đức Anh sẽ nhẹ bớt gánh nặng và toàn tâm toàn sức để nghiên cứu, học tập.

Tương tự, Nguyễn Hoàng Lâm (sinh năm 1994), nghiên cứu sinh ngành Hóa lý thuyết và Hóa lý - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã có 5 bài báo đăng trên tạp chí ISI - SCOPUS và một lần báo cáo tại hội thảo quốc tế. Điểm trung bình học tập của Lâm cũng thuộc hàng "khủng", trung bình môn là 9,33 điểm.

"Với mức lương nhà nước, nếu không nhận được học bổng thì sẽ rất khó khăn, chật vật để theo đuổi việc học tập, nghiên cứu. Học bổng không chỉ giải quyết vấn đề tài chính, mà còn là động lực to lớn để chúng tôi phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa trên hành trình nghiên cứu khoa học", Lâm nói.

NCKH: Nếu không thể dành 100% thời gian, sức lực thì làm sao có công trình xứng tầm quốc tế? - Ảnh 5.

Đỗ Nguyễn Hoàng Nga - nghiên cứu sinh khóa 2021 ngành Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách Khoa tại buổi lễ. Ảnh: MQ

Thay mặt toàn thể học viên cao học, nghiên cứu sinh tại buổi lễ, Đỗ Nguyễn Hoàng Nga - nghiên cứu sinh khóa 2021 ngành Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách Khoa cho biết, trong thời đại ngày nay, khoa học và công nghệ được xem là yếu tố hàng đầu để nâng tầm một quốc gia trong nền kinh tế tri trức. Các hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ sản sinh ra kiến thức mới mà vốn không phải có được bằng tiền mà là kết quả của một hành trình gian khổ, liên tục tìm tòi và tư duy sáng tạo mỗi ngày. 

Tuy nhiên, khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phân tích và kinh phí thực hiện là rào cản lớn hiện nay với đội ngũ học viên cao học, nghiên cứu sinh.

"Một số học viên cao học, nghiên cứu sinh vừa học tập, nghiên cứu khoa học để hoàn thành luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ, vừa phải hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị công tác. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng niềm say mê với khoa học và mục tiêu hoàn thành sứ mệnh cung cấp cho nhân loại tri thức mới sẽ trở thành động lực to lớn để mọi người thực hiện công việc nghiên cứu, xuất bản các công bố khoa học trên các tạp chí lớn trong và ngoài nước, sánh ngang với quốc tế", Hoàng Nga nói.

ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, học viên cao học và nghiên cứu sinh nhận được học bổng khi đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí như học đúng tiến độ theo kế hoạch của cơ sở đào tạo.

Đối với nghiên cứu sinh phải học đúng tiến bộ theo kế hoạch của cơ sở đào tạo, có tối thiểu 24 giờ làm việc/tuần (tối thiểu 8 giờ/ngày) ngoài thời gian học dành cho việc học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo, có tối thiểu 1 bài báo được đăng hoặc được nhận đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế uy tín, có phản biện, xuất bản bằng tiếng nước ngoài hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài uy tín, có phản biện; hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã được nghiệm thu.

Ngoài ra, ứng viên cần đáp ứng chuẩn trình độ ngoại ngữ theo quy định hiện hành của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem