Nền kinh tế Nhật Bản đi về đâu khi thủ tướng Abe từ chức?

Huy Nguyễn (Theo CNBC) Thứ ba, ngày 01/09/2020 18:59 PM (GMT+7)
Abe - Thủ tướng tại chức lâu nhất của Nhật Bản đã tuyên bố từ chức do sức khỏe ngày càng xấu đi. Bất chấp kế hoạch từ chức này, các nhà phân tích vẫn mong đợi sự tiếp tục của các chính sách kiên định tại đất nước.
Bình luận 0

Các nhà phân tích cho rằng việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ từ chức khó có thể đánh dấu sự kết thúc của các chính sách kích thích kinh tế có tên Abenomics.

Vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản hôm thứ Sáu đã xác nhận quyết định từ chức do sức khỏe ngày càng xấu đi. Ông Abe, người giữ chức thủ tướng trong gần 9 năm, đã chiến đấu với bệnh viêm loét đại tràng trong nhiều năm qua và cho biết sức khỏe của ông bắt đầu xấu đi vào khoảng giữa tháng trước.

img

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe (Nguồn: CNBC)

Sau khi đắc cử cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe triển khai Abenomics – nhóm chính sách kinh tế gồm nới lỏng tiền tệ, nới lỏng tài khóa và cải tổ cấu trúc quy mô lớn. Mục tiêu là hồi sinh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau hàng thập kỷ tăng trưởng chậm và giảm phát.

Kế hoạch này đã có một số thành công nhanh chóng. Chương trình kích thích của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã kéo niềm tin kinh doanh lên cao, góp phần khiến đồng yen yếu đi, giúp các hãng xuất khẩu Nhật Bản có thêm lợi nhuận và tạo thêm việc làm.

Việc ông Abe từ chức trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 9/2021 sẽ khiến người kế nhiệm phải giải quyết rất nhiều công việc dang dở. "Dù ai làm thủ tướng, ưu tiên hiện tại sẽ là kiểm soát đại dịch và hồi phục kinh tế", Takeshi Minami – kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết, "Có nhiều ý kiến cho rằng Abenomics đang gây ra tác động tiêu cực. Vì thế, tôi cho rằng tâm điểm chú ý sẽ là các đề xuất sửa đổi chương trình này".

Bên cạnh đó, thực tế là ông Abe chưa thể khuyến khích các công ty tăng chi tiêu, khiến doanh nghiệp Nhật Bản tích trữ được núi tiền mặt lớn. Số tiền này có thể làm bộ đệm thanh khoản để vượt qua cú sốc mà đại dịch mang lại.

Việc từ chức của ông Abe sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua lãnh đạo trong Đảng Tự do, với người chiến thắng sẽ được bầu chính thức trong quốc hội. Người kế nhiệm Abe sẽ phục vụ trong phần còn lại của nhiệm kỳ, trước khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của đất nước diễn ra trong hoặc trước tháng 10 năm 2021.

Martin Schulz, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Fujitsu, nói với CNBC “Street Signs Europe” vào thứ Sáu: “Chúng tôi không biết ai sẽ kế nhiệm ông Abe vào tháng 9, vì vậy rõ ràng là các chính sách vẫn đang được triển khai”.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có một cuộc cải tổ lớn hay bất kỳ cải cách cơ cấu lớn nào - đó cũng có thể là một rủi ro”, ông Schulz nói.

Tom Learmouth, nhà kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics, cho biết: “Các tác động kinh tế là rất nhỏ trước quyết định từ chức của ông Abe. Với sự ủng hộ của công chúng đối với nội các của ông ấy ở mức thấp kỷ lục, dù sao thì ông Abe cũng không thể thúc đẩy nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là lãnh đạo LDP vào tháng 9 năm sau”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem