Nên thống nhất đặt tên đường, phố mang tên "Ông Bà Trịnh Văn Bô"

Thành An Chủ nhật, ngày 26/11/2017 15:52 PM (GMT+7)
PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh đồng quan điểm với Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nên thống nhất đặt tên đường, phố mang tên "Ông Bà Trịnh Văn Bô" để ghi nhận công lao của cả cụ ông và cụ bà, không nhất thiết phải đặt tên 2 con đường.
Bình luận 0

Liên quan đến việc hoãn đặt tên phố Trịnh Văn Bô cho một con phố ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Trịnh Cần Chính (con trai cụ Trịnh Văn Bô) cho biết, từ năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có ý định đặt tên Trịnh Văn Bô cho một con phố ở quận Cầu Giấy, con phố này kéo dài từ Nguyễn Văn Huyên ra đường Cầu Giấy, nhưng sau đó bị thay thế bởi con phố khác từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

img

Tuyến phố dự định đặt tên Trịnh Văn Bô tại Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Thành An

"Việc đặt tên Trịnh Văn Bô cho con phố mới tại cổng sau Học viện Quốc phòng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chưa bàn với gia đình. Con phố này không xứng đáng được đặt tên Trịnh Văn Bô nên chúng tôi không đồng ý. Gia đình sẽ làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để thống nhất" - ông Trịnh Cần Chính cho hay.

Về vấn đề này, chia sẻ với PV Dân Việt, PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Ông Trịnh Văn Bô là một nhà tư sản cũng giống như nhiều nhà tư sản có tấm lòng yêu nước khác đều phải được ghi nhận, được đặt tên đường, phố.

“Một lần nữa chúng ta phải khẳng định, việc giành được thắng lợi tại cuộc Cách mạng tháng 8.1945 là công sức của những người yêu nước Việt Nam nói chung, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc... Ai có sức ủng hộ đến đâu thì giúp đến đó, người có tiền thì ủng hộ tiền, người có sức góp sức… Gia đình ông Trịnh Văn Bô đã góp rất nhiều tiền, vàng, của cải. Cho nên một tấm gương như vậy, tôi cho rằng lịch sử cần phải ghi tặng để xứng với đóng góp của ông” - PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh bày tỏ.

PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh đồng quan điểm với Nhà sử học Dương Trung Quốc - nên thống nhất đặt tên đường, phố mang tên "Ông Bà Trịnh Văn Bô" để ghi nhận công lao của cả cụ ông và cụ bà, không nhất thiết phải đặt tên 2 con đường. Như thế ghi nhận cả công lao của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và phù hợp với truyền thống dân tộc là "của chồng công vợ".

Theo Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Xanh, việc đặt tên phố Trịnh Văn Bô ở vị trí hợp lý, xứng danh với những đóng góp của nhà tư sản yêu nước này phải theo quy hoạch và cần tham khảo ý kiến cụ thể với gia đình ông bà cụ Trịnh Văn Bô.

“Muốn đặt tên phố Trịnh Văn Bô ở đâu, TP.Hà Nội cũng nên xem xét tham khảo, bàn bạc và đi đến thống nhất với gia đình con, cháu cụ Trịnh Văn Bô cho hợp tình hợp lý. Nhưng không thể thấy chỗ này xứng đáng với ông Trịnh Văn Bô mà chỗ đó đã có tên rồi, không thể tước đoạt tên đó cho tên Trịnh Văn Bô vào. Bây giờ là năm 2017, Hà Nội đã mở rộng nên tên đường, phố Trịnh Văn Bô nằm ngoài trung tâm thành phố cũng không sao” - PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh chia sẻ.

Là một người từng có nhiều năm làm trong Hội đồng xét duyệt tên đường phố của Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, khi đặt tên phố cho một nhân vật nào đó, phải tìm đường phố thích hợp nhất để đặt. 

Thông thường là đáp ứng các nội dung: đường, phố đó phải nằm ở khu vực gần gũi với quê hương, địa bàn hoạt động, quy mô, vị trí con đường,… Trong việc xét đặt tên đường phố, về thủ tục không nhất thiết phải có thỏa thuận với gia đình nhưng cũng cần tham khảo ý kiến. 

img

Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Nhà nước. Ảnh: TL

Chia sẻ về việc gia đình cụ Trịnh Văn Bô cho rằng, con đường được xác định đặt tên Trịnh Văn Bô ở quận Cầu Giấy là không xứng đáng với công lao, đóng góp, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, TP cần có chủ kiến riêng và tham khảo ý kiến của gia đình. Việc tham khảo không có nghĩa gia đình đòi hỏi cái gì cũng đáp ứng mà phải rất thực tế.

Hiện quỹ đất không chủ động được, việc đặt vị trí ở trung tâm TP cũng rất khó. Do đó, cơ quan chức năng cần có sự thương thảo với gia đình để chia sẻ tất cả những khó khăn, tìm được giải pháp tối ưu trong khả năng có thể để không gặp phải những trục trặc, gây ra hiệu ứng xã hội đáng buồn.

“Lẽ ra nếu có sự bàn thảo trước sẽ không xảy ra, còn nếu chưa tìm được con đường phù hợp thì nên trao đổi với gia đình tạm gác lại, chờ con đường phù hợp hơn. Khi đó, gia đình sẽ nhìn nhận thực tế hơn" - Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

Sau lễ tang cụ Minh Hồ, khoảng 400 triệu đồng tiền phúng viếng đã được gửi vào Ngân hàng để chờ chuyển đi làm từ thiện. Hiện Gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã bàn thảo, thống nhất với Mặt trận Tổ quốc VN sẽ thúc đẩy việc thành lập hai quỹ mang tên “Trịnh Văn Bô” và “Minh Hồ”. 

Ông Trịnh Lương, con trai cả cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ cho biết, hiện tại gia đình đã chuyển 200 triệu đồng, nhờ Mặt trận tổ quốc giúp đỡ mua các nhu yếu phẩm cần thiết, phân phối đến cho những người dân vừa chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão ở miền Trung.

Số tiền còn lại hơn 180 triệu đồng, gia đình đã chuyển vào ngân hàng và nhờ nhờ Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan làm từ thiện. Trước mắt, sẽ chờ đến học kỳ 2 của năm học này để phối hợp với Hội phụ nữ TP.Hà Nội xét, trao tặng học bổng giúp đỡ các cháu học sinh cấp 3 nghèo học giỏi có thể học hết 3 năm.

Trong tờ trình mới nhất của UBND TP.Hà Nội lên HĐND TP về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài các tuyến phố vừa được Ban Pháp chế HĐND và các đơn vị liên quan xem xét, chỉ có 19 tuyến phố, thay vì con số 20 như đưa ra lấy ý kiến trước đó.

Tên đường phố được đưa ra khỏi tờ trình là nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người đã tặng 5.000 lượng vàng cho Nhà nước.

Chia sẻ với PV, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, do chưa đạt được sự thống nhất với gia đình nên tuyến phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô bị hoãn lại, không trình HĐND TP thông qua kỳ họp diễn ra vào đầu tháng 12 tới.

Theo ông Động, thời gian tới, đơn vị liên quan sẽ làm việc với đại diện gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô, với kỳ vọng đạt được thống nhất để đặt tên phố vào năm 2018.

Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) là con cụ Trịnh Phúc Lợi, doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ, con gái cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và cũng là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa.

Sau cách mạng tháng 8.1945 thành công, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Nhà nước.

Ông Trịnh Văn Bô mất năm 1988, thọ 74 tuổi. Bà Hoàng Thị Minh Hồ mất ngày 5.11.2017, thọ 104 tuổi, tang lễ được tổ chức theo nghi thức cấp cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem