Nét độc đáo bên trong ngôi đình cổ Yên Lạc ở Thủ đô
Nét độc đáo bên trong ngôi đình cổ Yên Lạc ở Thủ đô
Kiều Trang
Thứ ba, ngày 20/02/2024 11:45 AM (GMT+7)
Làng Yên Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp dung dị, bình yên của làng quê mà còn nổi bật với nét hoài cổ hàng trăm năm của đình làng xưa.
Đình cổ Yên Lạc, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội. Thực hiện: Kiều Trang.
Hình ảnh cây đa bến nước sân đình đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hóa của người dân việt nam. Nhắc đến đình làng là nhắc đến giá trị truyền thống lâu đời, nhắc đến vẻ đẹp tín ngưỡng được nhân dân tôn thờ từ bao đời nay.
Nơi hội tụ những nét đẹp truyền thống
Đình Yên Lạc là một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỉ XVII và đã trải qua nhiều lần trùng tu, nổi bật nhất là thời vua Tự Đức (năm 1848). Tại đây nhân dân đã lập đền thờ vị anh hùng Chu Đạt - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lăng của nhà Hán.
Cổng đình Yên Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Trưởng thôn Yên Lạc cho hay, khi nhà Hán đô hộ nước ta, ông Chu Đạt đã dấy binh khởi nghĩa, cùng các hào trưởng đứng lên bảo vệ nước nhà.
Cuộc khởi nghĩa thành công, tuy nhiên gần một năm sau, nhà Hán một lần nữa sang đàn áp và ông Chu Đạt đã dũng cảm chống trả và hy sinh.
"Có thể nói, đình Yên Lạc đã ẩn chứa trong mình những huyền tích về người anh hùng dân tộc trong thời buổi dựng nước. Sau này, để tỏ lòng tri ân, nhân dân đã tổ chức hội làng vào ngày 5, 6, 7 tháng 3 Âm lịch hàng năm", Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, trong lễ hội làng năm 2023, cụ ông đội khăn xếp, mặc áo the, cụ bà đội khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân. Mọi người đều hào hứng tụ tập tại đình làng, không khí rộn ràng cũng theo từng bước chân người trẩy hội.
Ông Nguyễn Phượng Đằng, người dân trong thôn cho biết thêm, đình làng Yên Lạc được hình thành như một thiết chế tổng hợp đa chức năng, vừa là nơi thờ cúng vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa chính trị.
Chính vì vậy bên cạnh sự uy nghiêm, đình làng vẫn luôn mang đến sự gần gũi ấm áp và thân quen đối với bất kì người dân nào. Ngày rằm, mùng một đầu tháng hay bất kể khi nào có sự kiện quan trọng, dân làng đều tụ họp tại đình làng.
"Những buổi tế lễ, những nghi lễ truyền thống diễn ra tại đình làng không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ tới ông Chu Đạt, mà còn cơ hội người dân cầu nguyện mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, may mắn, dân làng trở nên gắn bó và đoàn kết hơn", ông Đằng bộc bạch.
Kiến trúc cổ bên trong ngôi đình
Đình Yên Lạc là một công trình kiến trúc cổ, đã trải qua nhiều lần tu sửa trên nguyên tắc tôn tạo. Năm 1988, đình Yên Lạc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.
Nhìn từ xa, án ngữ trước tam quan và đình làng là bức bình phong đã được xây mới. Lý giải về điều này, cụ Lạng (85 tuổi, sống gần đình Làng) nói: "Vì ngôi đình đối diện với ao nước nên bức bình phong được dựng lên, sau thì tu sửa lại như một lá chắn đã bảo vệ đình làng từ bao đời nay".
Đi sâu hơn, du khách sẽ nhận ra nét kiến trúc đặc trưng, quen thuộc của đồng bằng Bắc bộ xưa. Đình được xây dựng kiểu chữ Đinh với lối kiến trúc ba gian hai chái, bao gồm Đại bái và Hậu cung.
Bước qua bậc tam cấp cùng hai cột đá đắp nổi hoa văn rồng phượng, du khách sẽ đến với Đại đình (còn gọi là Đại bái). Phía trên hương án chính là bức đại tự được sơn son thếp vàng nổi bật cùng hoa văn lưỡng long chầu nguyệt. Ngoài ra, đặt dọc phía trước hương án là 2 bộ bát bửu tượng trưng cho các binh khí cổ thời xưa.
Đặc biệt hơn, cụ Lạng cho hay, hương án cổ tuổi đời hàng trăm năm phía trong đền là một trong những điểm nhấn của đình làng Yên Lạc. Hương án được trạm khảm tinh xảo bằng hoa văn đường diềm kỷ hà, hổ phù, tứ linh, sơn son thếp vàng. Chiện hai bên cũng được chạm khảm hoa văn trấn tử cổ kính.
Theo ghi chép lịch sử, nghệ thuật điêu khắc đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ hát triển từ những bước đầu tiên ở thế kỉ XVI, đạt dấu ấn đỉnh cao ở thế kỉ XVII. Đình làng Yên Lạc là một trong những công trình tiêu biểu, được các nghệ nhân dân gian thổi hồn tạo nên nhiều hình mẫu có giá trị nghệ thuật cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.