Nếu 2 danh tướng này sống thọ, Tư Mã Ý đã thân bại danh liệt

Thứ ba, ngày 20/04/2021 06:49 AM (GMT+7)
Nếu 2 người này không chết sớm, cha con Tư Mã Ý muốn tranh ngôi đoạt vị cũng chỉ là mơ mộng hão huyền
Bình luận 0

Năm xưa Tào Tháo ép Tư Mã Ý phải phò tá mình, có lẽ ông cũng không ngờ cuối cùng cả giang sơn nhà họ Tào đều bị nhà họ Tư Mã cướp mất.

Thật ra Tào Tháo đã phát hiện ra Tư Mã Ý có "tướng lang cố", cho rằng Tư Mã Ý không phải loại người chịu làm bề tôi, thế nhưng quan hệ giữa Tư Mã Ý và Tào Phi rất tốt, Tào Phi lại là Thái tử, thế nên ông không tiện can dự quá nhiều.

Nhưng với tài trí của Tào Phi, có lẽ ông cũng đã nhận ra, vậy tại sao sau khi Tào Phi xưng vương lại không giết chết Tư Mã Ý?

Có lẽ chỉ có thể trách người nhà họ Tào đều không sống dai được như Tư Mã Ý. Nếu như Tào Chân còn sống, nhiều khả năng Tư Mã Ý sẽ không có cơ hội để đoạt quyền.

Trong Tam Quốc, Tào Tháo "khống chế thiên tử để lệnh chư hầu", là người đặt nền móng cho chính quyền Tào Nguỵ thời Tam Quốc.

Mọi người đều biết về mặt quân sự, Tào Tháo tinh thông binh pháp, nhưng ông cũng rất quý mến hiền tài, bởi thế không tiếc mọi giá để chiêu mộ những người có tiềm năng mà ông đánh giá cao về dưới trướng. Để tìm kiếm tiền tài, Tào Tháo từng viết nên "Cầu hiền lệnh" nổi tiếng trong lịch sử. Tướng lĩnh dũng mãnh nhất dưới trướng Tào Tháo là Bát hổ kỵ, đều mang họ Tào và họ Hạ Hầu.

Trong số Bát hổ kỵ, có hai người xuất chúng nhất trong thời kỳ của Tào Phi, họ đều là tướng lĩnh lấy sức một người uy chấn tám phương, không những lập nên công lao hiển hách cho chủ, còn được binh lính hết sức kính phục. Hai người này trí dũng song toàn, hiểu rõ chân truyền của nhà binh, ngay tới đối thủ sống mái là Gia Cát Lượng cũng đánh giá rất cao.

Nếu 2 người này không chết sớm, cha con Tư Mã Ý muốn tranh ngôi đoạt vị cũng chỉ là mơ mộng hão huyền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Họ là đại tướng được Tào Phi phó thác con côi, nếu như hai mãnh tướng này không chết thảm quá sớm, dù cha con Tư Mã Ý có rục rịch manh động ra sao, cũng hoàn toàn không dám lộng quyền cướp ngôi.

Hai người đó chính là Tào Chân và Tào Hưu.

Tào Chân

Tào Chân trong "Tam quốc diễn nghĩa" là một kẻ bụng dạ hẹp hòi, vả lại chẳng có mưu trí gì, không những đánh trận thua hết lần này tới lần khác, còn bị Tư Mã Ý lật đổ, cuối cùng tức chết vì một bức thư của Gia Cát Lượng.

Nhưng Tào Chân trong chính sử lại không hề tồi tệ như vậy. Có sách sử chép lại rằng: "Đại tư mã hết sức trung thành, phò tá hai vua, trong không cậy sự cưng chiều của thân thích, ngoài không kiêu ngạo trước sĩ phu bần hàn."

Tuy Tào Chân họ Tào, nhưng ông không dựa dẫm vào quan hệ dòng tộc, cũng không tỏ ra hơn người vì dòng máu của mình.

Tào Chân lên được vị trí Đại tư mã quyền cao chức trọng, hoàn toàn nhờ vào chiến công lẫy lừng của bản thân. Phải biết rằng khi Tào Chân còn sống, mấy lần Gia Cát Lượng Bắc phạt đều phải về tay không, bị ép rút về Thục Hán. Nhờ đâu Tào Chân đẩy lùi được Gia Cát Lượng?

Nếu 2 người này không chết sớm, cha con Tư Mã Ý muốn tranh ngôi đoạt vị cũng chỉ là mơ mộng hão huyền - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân vật Tào Chân trên phim.

"Tam quốc chí" chép lại: "Chân dĩ Lượng trừng vu Kỳ Sơn, hậu xuất tất thung Trần Thương. Nãi sử tướng quân Hác Chiêu, Vương Sinh thủ Trần Thương, trị kỳ thành. Lượng quả vi Trần Thương, dĩ hữu bị nhi bất năng khắc."

Tào Chân đoán được Gia Cát Lượng chắc chắn sẽ tấn công Trần Thương, nên đã cử người phòng thủ Trần Thương từ trước, cho xây dựng thành trì. Tới khi Gia Cát Lượng tiến đánh Trần Thương, nhờ chuẩn bị từ trước nên Hác Chiêu đã khiến Gia Cát Lượng phải quay về không công. Khả năng bày mưu tính kế ấy đã khiến Nguỵ Văn Đế hết sức khen ngợi.

Có điều, một danh tướng túc trí đa mưu, được Nguỵ Văn Đế hạ chiếu phù chính như ông lại bất ngờ qua đời sớm.

Trong "Tam quốc chí" có ghi chép: "Chân bệnh hoàn Lạc Dương, đế tự hạnh kỳ đệ tỉnh tật. Chân hoăng, thuỵ viết Nguyên Hầu, tử Sảng tự."

Nghĩa là: Tào Chân mắc bệnh nặng trên đường trở về Lạc Dương, Hoàng đế đến tận phủ đệ thăm hỏi ông, chẳng bao lâu sau Tào Chân qua đời, con trai ông là Tào Sảng được thừa kế chức quan của cha.

Không thể không tiếc nuối cho cái chết quá sớm của Tào Chân. Khi qua đời, ông mới khoảng năm mươi tuổi. Khi Tào Chân còn sống, Tư Mã Ý vẫn luôn làm cấp dưới cho ông. Tư Mã Ý hoàn toàn không giành được quyền quản lý quân đội, hiển nhiên không dám manh động.

Mãi tới khi con trai của Tào Chân là Tào Sảng thừa kế vị trí của cha, nhưng lại không thừa kế được năng lực hành quân đánh trận của Tào Chân, chính vì thế Tư Mã Ý mới có ngày ngóc đầu lên.

Nhân lúc Tào Sảng cùng thiếu đế đi tế bái ở lăng Cao Bình, cha con Tư Mã Ý phát động binh biến. Đám người Tào Sảng chần chừ không dám quyết định, hậu quả bị Tư Mã Ý cướp quyền, tru di tam tộc.

Nếu 2 người này không chết sớm, cha con Tư Mã Ý muốn tranh ngôi đoạt vị cũng chỉ là mơ mộng hão huyền - Ảnh 3.

Hình ảnh nhân vật Tư Mã Ý trên phim.

Người còn lại là Tào Hưu

Tào Hưu là cháu ruột của Tào Hồng, Tào Hồng lại là em họ của Tào Tháo, ông là con nuôi và được Tào Tháo trọng dụng vào thời kỳ đầu.

Sau khi mất cha vào thời niên thiếu, Tào Hưu một mình cưỡi ngựa vượt nghìn dặm, từ đất Ngô tới Kinh Châu nương nhờ Tào Tháo. Tào Tháo khen ngợi Tào Hưu, gọi ông là "Thiên lý câu" (ngựa khoẻ chạy nghìn dặm), đối xử như với con ruột. Tào Hưu cũng không phụ kỳ vọng to lớn của Tào Tháo, trong "Tam quốc chí" từng ghi lại: "Năm Kiến An thứ 23, Lưu Bị đem quân tấn công Hán Trung, để Trương Phi trấn thủ khu vực Cố Sơn, âm thầm tập hợp binh lính tại Hạ Biện. Tào Hưu nhìn thấu kế nghi binh của Lưu Bị, ông dẫn quân tới đánh tan Ngô Lan, tiến tới tấn công vào Cố Sơn, khiến Trương Phi phải rút lui. Nhờ trận chiến này, Tào Hưu được phong chức Trung tướng quân."

Tào Hưu cũng làm tới chức Đại tư mã, việc này cần nhắc tới trận chiến đánh tan Tôn Quyền.

Năm Hoàng Sơ thứ 3, Tào Phi thân chinh thảo phạt Tôn Quyền, chia quân làm ba đường, Tào Hưu được bổ nhiệm làm Chinh Đông đại tướng quân. Trận này, Tào Hưu giết được hàng ngàn quân địch, giành đại thắng, được Tào Phi phong làm Dương Châu Mục. Sau khi Tào Phi băng hà, Tào Hưu cùng Tào Chân phụ chính Nguỵ Minh Đế. Vậy Tào Hưu đã qua đời sớm như thế nào?

Năm Thái Hoà thứ 2 (năm 228), Thái thú Bà Dương tên Chu Phường của Đông Ngô giả hàng nước Nguỵ, lừa Tào Hưu xuất binh. Tào Hưu đơn độc vào lòng địch, gặp phải mai phục của quân Ngô.

Nếu 2 người này không chết sớm, cha con Tư Mã Ý muốn tranh ngôi đoạt vị cũng chỉ là mơ mộng hão huyền - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Ông hoảng loạn rút quân, lại gặp khó khăn trong chiến đấu vì hành quân theo đường thuỷ quá chậm, đa số binh sĩ tháo chạy.

Về sau Tào Hưu được quân cứu viện của Giả Quỳ cứu mới thoát khỏi cảnh bị bắt làm tù binh. Sau khi Tào Hưu quay về Lạc Dương, ông đã dâng tấu nhận tội, Nguỵ Minh Đế hạ chỉ an ủi, Tào Hưu càng hổ thẹn không thôi, sau đó lưng nổi nhọt độc, về sau nhọt vỡ mà qua đời.

Nếu như Tào Chân và Tào Hưu sống thêm được vài năm, Tư Mã Ý muốn tranh quyền đoạt vị cũng chỉ là mơ mộng hão huyền. Chính vì Tào Hưu và Tào Chân lần lượt qua đời đi, khiến trọng thần hoàng tộc Tào Nguỵ tổn thất chí mạng.

Để ngăn chặn chiến dịch Bắc phạt của Gia Cát Lượng, Nguỵ Minh Đế không thể không trọng dụng Tư Mã Ý, điều này giúp Tư Mã Ý dần nắm được một vài binh quyền.

Như phần trên có nhắc tới, khi Tư Mã Ý phát động binh biến, đám người của Tào Sảng chần chừ do dự, càng để Tư Mã Ý nắm được binh quyền của Quan Trung thuộc nước Nguỵ.

Có binh quyền trong tay, lại kiếm cớ tàn sát một vài thành viên nhà họ Tào, dã tâm của cha con Tư Mã Ý lúc này mới dần dần lộ ra. Cuối cùng họ đã lật đổ Hoàng đế, cướp đoạt chính quyền Tào Nguỵ mà Tào Tháo cả đời dày công gây dựng.

PV (Theo Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem